5 sai lầm phổ biến khi Hạ sốt cho trẻ
1. Đo nhiệt độ cho trẻ bằng tay
Đây là việc làm hết sức cảm tính của ba mẹ, độ chính xác không cao, nhiều khi dẫn đến những kết luận sai lầm như cứ thấy trán trẻ nóng ấm thì cho rằng trẻ bị sốt và cho uống thuốc. Ba mẹ nên kẹp nhiệt độ cho trẻ để xác định rõ tình trạng sốt của trẻ:
+ 37.5-38.5 độ C: sốt nhẹ
+ 38.5-39 độ C: sốt vừa
+ 39-40 độ C: sốt cao
+ Hơn 40 độ C: sốt rất cao
2. Hạ sốt cho bé nhanh chóng, đột ngột
Theo y học, sốt là dấu hiệu ban đầu báo hiệu trẻ đang bị bệnh hoặc gặp vấn đề nào đó về sức khỏe. Thậm chí, sốt còn là hiện tượng có lợi giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật, vì khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, sức đề kháng của cơ thể cũng nâng cao giúp tiêu diệt bớt các tác nhân gây bệnh.
Thế nhưng rất nhiều ba mẹ cứ thấy con chớm sốt là lo lắng, tìm đủ mọi cách để hạ sốt cho con ngay tức thì: chườm đá lạnh cho con, rồi cho con uống thuốc, đặt thuốc vào hậu môn… Khi làm vậy, thân nhiệt trẻ hạ một cách nhanh chóng, đột ngột, cơ thể bé không kịp thích nghi sẽ rất nguy hiểm. Việc giảm sốt cho bé chỉ nên thực hiện từ từ.
3. Lạm dụng thuốc
Thông thường thuốc hạ sốt hiện nay bắt đầu có tác dụng sau khi uống khoảng 30 phút, nhiệt độ giảm dần sau 1-2 giờ. Mỗi lần uống thuốc cách nhau 4-6 tiếng. Tuy nhiên với những trẻ sốt vi rút thường 2-3 tiếng đã sốt lại thì ba mẹ liền cho con uống thêm thuốc ngay. Ba mẹ lưu ý không nên cho con dùng thuốc khi chưa đủ thời gian (4 – 6 tiếng uống 1 lần). Thay vào đó, ba mẹ có thể dùng các biện pháp chườm ấm để hạ thân nhiệt cho trẻ, đến khi đủ thời gian mới cho bé uống.
Khi trẻ mới bị sốt nhẹ, 37,5 – 38 độ C thì mẹ chưa cần cho bé dùng thuốc hạ sốt ngay, mà nên áp dụng một số mẹo dân gian giảm sốt cho bé tại nhà.
Ba mẹ tuyệt đối không được tự ý phối hợp thuốc cho con uống.
4. Đắp chăn, ủ ấm cho trẻ khi trẻ sốt cao rét run
Đây là một sai lầm phổ biến của ba mẹ Việt, cứ thấy con sốt rét run lên là ngay lập tức ủ ấm cho con bằng mọi cách. Nhưng ba mẹ nên biết, trẻ em hay người lớn khi sốt quá cao bao giờ người cũng có cảm giác lạnh, rét run… Song thực tế nhiệt độ trong người nóng rừng rực, có khi lên đến 40 – 41 độ C. Vì thế dù khi trẻ kêu rét, ba mẹ cũng tuyệt đối không đắp chăn cho trẻ, bởi càng đắp chăn ấm thân nhiệt trẻ càng cao, mà sốt càng cao bé lại càng cảm thấy rét. Nhiều bệnh viện ghi nhận có không ít các trường hợp bé bị co giật, tím tái do ba mẹ ủ ấm bé trong khi bé sốt cao rét run.
5. Chườm đá lạnh cho bé khi sốt
Các bác sĩ khuyến cáo việc mẹ lấy nước đá cho vào túi nilong, bọc khăn vải bên ngoài rồi đặt lên trán hoặc hai bên nách bé có thể khiến bé bị bỏng lạnh, gây suy hô hấp. Chườm đá lạnh làm co mạch, khiến lỗ chân lông đóng kín hơn, thân nhiệt không thoát ra ngoài được. Khi chườm đá lạnh, mẹ thường nhầm tưởng bé đã hạ sốt do sờ bên ngoài thấy bé mát, nhưng thực tế thì trẻ vẫn sốt rất cao.
Tốt nhất là mẹ nên chườm ấm cho trẻ bằng cách thấm khăn mặt vào nước ấm có nhiệt độ khoảng 37 – 40 độ C, vắt bớt nước rồi đắp lên vùng bẹn, nách, cổ của bé. Mẹ có thể kết hợp các bài massage giảm sốt cho con… Làm như vậy lỗ chân lông của trẻ sẽ mở ra, thoát nhiệt nhanh, giảm sốt. Mẹ chú ý, khi khăn hết ấm phải thay khăn khác cho bé ngay để bé không bị lạnh.