1. Tôn trọng cảm giác của trẻ
Bố mẹ cần có thái độ cảm thông những cảm xúc của trẻ, dù cho những cảm xúc đó có phần trẻ con và khó đoán. Nhưng vì bé đang trong giai đoạn hình thành trí tuệ cảm xúc nên việc được lắng nghe đóng một vai trò cực kì cần thiết.
2. Giúp trẻ xác định cảm xúc cụ thể
Phụ huynh hãy luôn dành thời gian bên cạnh trẻ để chia sẻ về những “định nghĩa” về cảm xúc, dạy trẻ xác định cảm giác mà trẻ đang gặp phải và giúp trẻ học cách vượt qua những khó khăn.
3. Chia sẻ cảm giác của bạn với trẻ
Hãy cho trẻ thấy chính bạn là những người lớn cũng đang có rất nhiều cảm xúc, vui, buồn, giận hờn, lo lắng, … bằng cách chia sẻ, giãi bày những tâm tư, tình cảm của bạn. Nhưng đừng nên biến trẻ thành nơi mà bạn có thể trút hết nhũng bực dọc, khó chịu, mà hãy khéo léo trình bày cảm xúc của mình, tránh cho trẻ hình thành thái độ tiêu cực với cuộc sống xung quanh.
4. Làm gương mẫu tích cực cho trẻ
Bước vào giai đoạn học hỏi, trẻ sẽ luôn bắt chước theo các hành động mà các bé chứng kiến nơi môi trường chung quanh. Vì lý do đó, các bố mẹ cũng cần lưu ý có thái độ phù hợp khi thể hiện cảm xúc của mình.
5. Tiếp nhận cảm giác của trẻ
Không chỉ lắng nghe tâm sự của trẻ là đủ, mà các bậc cha mẹ cũng cần cho trẻ thấy được sự chia sẻ và tiếp thu của mình. Hãy luôn cho trẻ thấy rằng bố mẹ chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc, luôn là nơi an toàn để trẻ hoàn toàn bộc bạch hết tâm tư của mình và đồng thời cũng nhờ đó mà vượt qua được những khúc mắt đang có. Phụ huynh đừng nên có thái độ khó chịu hoặc trách mắng mỗi khi trẻ có cảm nhận sai lệch, nhưng hãy từ đó mà chia sẻ và hướng dẫn một lối đi khác tốt đẹp hơn cho bé.
6. Cho trẻ thời gian để ngẫm nghĩ và suy xét
Thay vì ép buộc trẻ như thế này, như thế kia thì cách tốt hơn mà phụ huynh nên làm là cho trẻ thời gian nhìn nhận và suy xét lại những cảm xúc của mình. Trong khi đó, bố mẹ chỉ là người hướng dẫn, chỉ ra những điểm tốt và xấu của loại cảm giác mà trẻ đang có và rồi cho trẻ thời gian để suy nghĩ về những điều đó. Việc này vừa giúp trẻ cảm nhận được sự tự do của mình đồng thời tạo điều kiện cho trẻ phát triển tư duy bản thân.
Mỗi đứa trẻ là một tâm hồn, một cá tính khác nhau. Vậy nên chúng ta không nên ép buộc, kìm kẹp trẻ theo một định hướng chung, nhưng theo cá tính của trẻ mà hướng dẫn. Có những trẻ vốn sẵn là những đứa bé hiền lành, dễ tiếp cận nhưng ngược lại cũng có bé hơi cá tính một chút. Bố mẹ cần có một phương pháp tiếp cận phù hợp với từng bé để từ đó hỗ trợ bé phát triển trí tuệ cảm xúc tốt đẹp hơn.