Các bậc cha mẹ phải hiểu rằng việc nuôi dạy con cái thực sự không hề đơn giản như những gì chúng ra vẫn thường nghĩ. Mỗi đứa trẻ đều có cá tính và tâm sinh lý riêng. Vì vậy, nếu thực sự muốn trở thành những bậc cha mẹ tâm lý, bạn cần nắm rõ 7 nguyên tắc vàng dưới đây:
1: Trò chuyện nhiều hơn với con
Đừng bao giờ ngồi ôm tờ báo hay giữ khư khư chiếc điện thoại để tán gẫu với bạn bè mà bỏ bê con cái mình nhé. Những bận rộn trong cuộc sống khiến bạn không có nhiều thời gian dành cho con cái. Một vài tiếng đồng hồ vào buổi tối là những khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa. Đây là thời gian cả gia đình bạn được ngồi quây quần bên nhau. Lúc này, hãy hỏi và nói chuyện nhiều hơn với con cái. Từ đó để biết được chúng đang nghĩ gì.
Đối với những trẻ ở độ tuổi thiếu nhi, bạn nên gợi nhắc để các con kể về những chuyện đã xảy ra với con hoặc với các bạn trong lớp. Đối với lứa tuổi thiếu niên bạn lại càng công được lơ là. Bởi vì đây là giai đoạn con bạn bắt đầu dậy thì. Con có những sự chuyển biến trong tâm sinh lý. Hãy hỏi xem con bạn hôm nay đi học có vui không? Con có nhu cầu gì khác không? Tình hình học tập cũng như dự định của con trong học kỳ tới là gì? Và đừng quên định hướng tốt hơn cho con cái khi bạn phát hiện ra điều gì đó trong lời nói của con trẻ.
Hãy nhớ rằng, dù chúng ở độ tuổi nào đi chăng nữa, bạn cũng nên trò chuyện với con cái mình. Vì chúng luôn luôn cần sự lắng nghe và chia sẻ từ cha mẹ.
2: Đừng bao giờ khoe khoang con cái bạn trước nhiều người
Con cái của bạn đạt thành tích tốt. Gia đình có vui mừng đến đâu thì cũng không nên đem sự hãnh diện đó đi kể với nhiều người. Vì những người đó họ không thật sự mừng cho gia đình bạn đâu. Vô hình chung bạn đã đem lại cho con bạn thêm nhiều sự đố kị và ghen ghét từ người khác rồi đấy. Hoặc chỉ đơn giản là bạn sẽ khiến cho con bạn trở nên kiêu căng hơn so với những gì chúng đạt được.
Bạn chỉ nên khen ngợi chúng trước mặt các thành viên trong gia đình ở mức độ vừa phải. Điều ấy sẽ giúp chúng hiểu được giá trị của bản thân trong gia đình mà không bị nhiều người đố kị.
3: Hãy tôn trọng ước mơ của con
Rất nhiều bậc phụ huynh thường có khuynh hướng áp đặt cho con từ bé. Bắt co phải làm điều này, phải học cái kia. Họ còn có suy nghĩ rằng cha mẹ luôn chọn những thứ tốt nhất cho con. Rồi buộc chúng phải nghe theo. Điều đó đã vô hình “giết chết” đi ước mơ của trẻ.
Khi con bạn đam mê một điều gì đó từ bé, chứng tỏ chúng là một đứa trẻ có tài. Và bạn nên tự hào về điều đó. Nếu con bạn đam mê hội họa, ca hát hay bóng đá,… đừng ngăn cản chúng. Hãy cổ vũ và tạo điều kiện để con phát triển hết tài năng và đam mê của mình. Vì những đứa trẻ có thiên hướng nghệ thuật bẩm sinh như vậy không nhiều đâu.
4: Tạo ra nhiều kỷ niệm vui cùng nhau
Bạn nhất định không được quên những ngày kỉ niệm của con. Như lễ tốt nghiệp hay sinh nhật. Dù bận đến đâu bạn cũng nên có mặt cùng con trong những sự kiện quan trọng này. Cuối tuần hãy cùng cả gia đình đi chơi nhà ông bà ngoại hoặc đi picnic. Việc này làm tăng thêm tình gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Đừng quên chụp chung với nhau càng nhiều ảnh càng tốt. Để sau khi lớn lên con bạn biết rằng chúng đã có một tuổi thơ tươi đẹp và hạnh phúc đến mức nào.
5: Đừng bao giờ so sánh con bạn với bất kì ai khác
Không chỉ là những đứa trẻ mà ngay cả những người đã trưởng thành cũng đều rất ghét việc bị đem ra so sánh với người khác. Khi con mình làm sai điều gì hay thành tích không bằng những đứa trẻ khác. Các ông bố bà mẹ thường hay đem con mình ra so sánh với “con nhà người ta” một cách hết sức vô lý.
Những câu như “nhìn con nhà người ta mà học tập” hay “sao mày không bằng một phần của ABC cho mẹ nhờ”…v..v. Điều đó thường chẳng giúp ích được gì trong quá trình dạy dỗ con cái của bạn. Nó sẽ khiến những đứa trẻ trở nên mặc cảm và tự ti hơn. Chúng sẽ dần hình thành nên suy nghĩ bản thân mình là một đứa kém cỏi và vô dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng vô cùng xấu tới tính cách của con bạn sau này. Vì vậy, đừng vì một phút nóng nổi mà nói những câu nói khó nghe như vậy với những đứa con mình “dứt ruột đẻ ra” nhé.
Nếu bạn muốn dùng một tấm gương nào đó để con bạn noi theo. Tốt hơn hết bạn nên kể những câu chuyện dân gian hoặc cuộc đời của một nhân vật lịch sử nào đó có thật để con bạn hiểu hơn. Thay vì đem so sánh chúng với những đứa trẻ xung quanh khác nhé.
6: Hãy kiên nhẫn hơn với con
Nếu con bạn là một đứa trẻ ương bướng, nghịch ngợm hay chỉ đơn giản là biếng ăn. Bạn nên có những biện pháp tích cực hơn là quát mắng hay đòn roi để chúng nghe lời. Những đứa trẻ rất dễ bị tổn thương về tâm sinh lý. Vì vậy nếu bạn gặp những trường hợp như trên hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng nói chuyện với chúng. Tối kị nhất chính là việc bạn “giận cá chém thớt”. Bạn đem những bức xúc của công việc và cuộc sống đem trút giận lên con. Đã có rất nhiều người mắc phải sai lầm này. Điều đó chỉ khiến con cái trở nên xa cách hơn với cha mẹ mà thôi.
Con bạn bị điểm kém hoặc có vấn đề không hay ho ở trường cần gọi phụ huynh đến. Đừng vội về nhà tra khảo hay hỏi tội trẻ. Hãy bình tĩnh và hỏi chuyện chúng một cách nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc. Bởi vì, những gì trẻ làm dù đúng hay sai cũng đều có nguyên nhân của nó. Hãy tìm hiểu kỹ nguyên nhân trước khi đưa ra lời “buộc tội” vô cớ cho con mình nhé.
7: Luôn giữ lời hứa
Một trong những “căn bệnh” thường xuyên của người lớn đó là không giữ lời hứa với con trẻ. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lí của con cái mình như thế nào cho đến khi con bạn nói rằng “bố/mẹ là kẻ nói dối”.
Lời hứa của cha mẹ sẽ luôn được lưu sâu vào trí nhớ của trẻ. Khiến chúng luôn hy vọng và chờ đợi. Đồng nghĩa với việc nếu bạn thất hứa sẽ làm chúng cảm thấy rất thất vọng và bực mình. Dẫn đến việc chúng không còn biết tin ai được nữa.
Nếu bạn không thể đáp ứng hết những yêu cầu của con mình khi nó quá viển vông. Hoặc những điều mà bạn không chắc là mình làm được thì tốt hơn hết ngay từ đầu bạn không nên hứa. Để tránh làm trẻ thất vọng về cha mẹ bạn nên chấn nhận lời yêu cầu một cách thông minh hơn. Thành thật với con và xoa dịu chúng bằng một cách khác.
Lời hứa khác với sự chấp thuận vô điều kiện của bạn đối với yêu cầu của trẻ. Nếu một ngày ngang qua siêu thị, chúng bỗng đòi hỏi về đủ thứ và bắt bạn phải mua. Đừng dại dột vì muốn giải quyết ngay sự “mè nheo” của con mà đồng ý mua hết. Nó sẽ chỉ càng làm tăng thêm những yêu cầu quá đáng hơn cho lần sau. Lúc này hãy dùng lời hứa để trấn tĩnh con cái và giúp bé hiểu vấn đề hơn. Ví dụ như “Nếu con đạt 10 điểm mẹ sẽ mua cho con chiếc xe đồ chơi này”. Lúc đó bé sẽ có động lực hơn trong việc học tập và ngừng ngay việc đòi hỏi vô lý. Tuy nhiên phương pháp này chỉ hữu ích nếu bạn là người biết giữ lời hứa.