Phương pháp giáo dục trẻ ở Mỹ không chủ trương quát mắng hay đánh trẻ, nhưng trẻ em ở Mỹ lại rất có ý thức tự giác và biết vâng lời. Thực tế, phần lớn các cha mẹ ở Mỹ áp dụng phương pháp 3C: Control (kiểm soát), Commitment (trách nhiệm) và Challenge (thử thách) trong giáo dục con cái.
1. Kiểm soát (Control)
Cha mẹ ở Mỹ thường dạy con về việc kiểm soát cảm xúc và thời gian của mình. Những đứa trẻ có tâm hồn vô cùng ngây thơ và mong manh, vì thế chúng rất dễ bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài. Khi gặp việc gì đó không như ý muốn, trẻ em thường không thể kiểm soát được bản thân chúng.
Những bậc phụ huynh ở Mỹ không áp dụng phương pháp xoa dịu, thỏa hiệp, bỏ qua hay cầu hòa với trẻ. Họ sẽ dành thời gian nói chuyện với con cái, tìm hiểu và tiếp nhận cảm xúc của chúng, sau đó sẽ gợi ý cho trẻ các cách để giải quyết vấn đề trẻ đang đối mặt.
Như vậy, trẻ có thể hiểu ra vấn đề một cách thấu đáo và chín chắn, khi đối mặt với thất bại sẽ không lấy việc khóc lóc làm vũ khí mà tự kiểm soát cảm xúc, nhìn thẳng vào vấn đề của bản thân mình. Bằng cách này, trẻ cũng rèn luyện được đức tính tự lập, dũng cảm và mạnh mẽ.
Đối với vấn đề quản lý thời gian, rất nhiều gia đình thường áp dụng luật hay quy định, tức là cha mẹ sẽ giám sát con trẻ gần như trong mọi vấn đề: thời gian học bài, xem tivi, thời gian ngủ, thức dậy. Hoàn toàn ngược lại, các bậc cha mẹ ở Mỹ dạy trẻ "tự giác", qua đó trao cho trẻ quyền tự kiểm soát hành vi của mình. Ví dụ đối với một đứa trẻ ham chơi, cách làm của cha mẹ là không phải lúc nào cũng canh chừng, giám sát mà mỗi tuần đều cho cậu bé một khoảng thời gian nhất định để vui chơi thỏa thích.
Họ sẽ để trẻ tự quản lý thời gian của mình, sắp xếp các công việc của chúng phải làm. Nếu trẻ sử dụng quỹ thời gian không hợp lý, chúng có thể sẽ gặp phải một vài vấn đề như không có thời gian làm bài, không có thời gian chơi thể thao...
Qua thực tế, chúng sẽ tự nhận ra cần làm gì và không cần làm gì. Kĩ năng này sẽ ngày càng thuần thục thuận theo thời gian trẻ trưởng thành, và là hành trang quan trọng trên con đường đời của chúng.
2. Trách nhiệm (Commitment)
Phương pháp này nhằm nuôi dạy con trẻ trở thành những người có ý thức trách nhiệm với chính bản thân và những người khác. Cha mẹ ở Mỹ rất tôn trọng sự phát triển cá nhân, rèn giũa tính cách độc lập cho trẻ. Họ cho con toàn quyền lựa chọn từ đồ ăn, trang phục, giờ ăn, giờ ngủ cho tới những sở thích cá nhân. Với sự tự do được cha mẹ trao cho, trẻ đồng thời phải đảm đương trách nhiệm với tất cả các vấn đề của cá nhân chúng.
Trẻ em ở Mỹ đến tuổi trưởng thành phải tự lập cả về tài chính và tình cảm. Các bậc cha mẹ sẽ sắp xếp cho trẻ một số công việc và rèn luyện cho chúng khả năng làm việc độc lập, không ngại khó ngại khổ. Họ khích lệ trẻ làm việc tới nơi tới chốn, giao công việc cho trẻ mỗi ngày, chú ý quan sát và đưa cho trẻ những nhận xét, đánh giá. Như vậy, trẻ sẽ được dưỡng thành đức tính kiên trì nhẫn nại và thói quen nghiêm túc, tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm. Hơn thế nữa, họ còn khích lệ trẻ sẵn sàng chịu trách nhiệm về mình.
Ví như khi đưa trẻ tới nhà bạn bè chơi, đứa bé có thể không cẩn thận đánh vỡ một chiếc cốc. Đây vốn dĩ chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng cha mẹ không chỉ để cậu bé xin lỗi chủ nhà mà còn yêu cầu đứa trẻ mua một cái cốc khác để đền bù cho nhà chủ, tiền mua cốc là tiền tiêu vặt của cậu bé. Điều này muốn dạy cho những đứa trẻ biết rằng mỗi người đều phải chịu trách nhiệm cho tất cả những sai lầm của mình. Khi làm việc gì đó gây tổn hại cho người khác, chúng ta phải chân thành nhận lỗi và có những hành động thiết thực để bù đắp những tổn thất đó.
3. Thử thách (Challenge)
Cha mẹ ở Mỹ luôn khuyến khích con cái của họ dám đón nhận thử thách, dám thay đổi, không bó buộc bản thân vào một khuôn mẫu đã có sẵn. Họ khích lệ trẻ làm những việc chưa bao giờ làm, thậm chí cả những việc mà chúng cảm thấy sợ hãi hay không thích. Sức mạnh thực sự không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong con người dám đối mặt với thách thức, đó là bài học quan trọng mà cha mẹ dạy cho con cái của họ.
Trước khi con cái vào nhà trẻ, có rất nhiều cha mẹ ở Mỹ đã đưa chúng đến một nơi hoàn toàn xa lạ, ở đó chúng có thể gặp những người mới, hoàn cảnh ngôn ngữ hoàn toàn khác so với trong gia đình, hy vọng chúng có thể tự mình vượt qua những thử thách đó. Như vậy, trẻ không còn lo sợ khi lần đầu tiên tới trường học, cũng không có cảnh khóc theo cha mẹ. Trẻ hoàn toàn có thể hòa nhập với môi trường một cách tự nhiên thoải mái, và tiếp nhận những lời của thầy cô rất hiệu quả.
Bản thân trẻ đã tự đánh bại sự rụt rè, nhút nhát của chúng và cảm nhận được thành quả sau những nỗ lực của mình. Từ đó trở đi, chúng sẽ tự tin hơn vào bản thân, gặp khó khăn gì đều có thể bình tĩnh đối diện. Chúng đã vượt qua được định kiến tự đặt ra, kìm hãm, bó buộc mình và sẵn sàng làm tất cả mọi việc mà có thể trước kia chúng cho rằng bản thân không làm được.