Chủ nhật vừa rồi, tranh thủ đưa con sang thăm bà ngoại, tôi có tạt qua gặp gỡ café với hội bạn cấp 3 một chút vì lâu lắm cũng không được tụ tập với nhau. Trong khi cuộc vui với những câu chuyện kể về kỷ niệm ngày đi học, những câu chuyện ‘vô thưởng vô phạt' dần hết, trời cũng đã sập tối, tôi đề nghị thanh toán tiền nước để ra về. Vậy nhưng trái với dự tính của tôi, rất nhiều ông con trai trong hội tỏ ra ngạc nhiên vì "sao về sớm thế?" và quyết định kéo dài buổi tụ tập sang "tăng 2, tăng 3" bên bàn nhậu và những quán hát karaoke. Tôi lấy làm ái ngại.
Rất nhiều ông bạn tôi trong hội hiện đã có gia đình, đã làm bố của những cô bé, cậu bé 1,2 tuổi. Cá biệt nhất, có ông bạn vợ mới sinh con được hơn 2 tháng, hiện vẫn đang ở cữ tại nhà. Hỏi "thế không phải về với con à?" đa số bạn bè tôi cười xòa rồi bảo "Đã có mẹ nó lo, chơi với trẻ con vui thì vui nhưng mệt lắm!".
Chuyển sang câu chuyện con cái, mọi người lại rôm rả hẳn. Có ông tếu táo "Chơi với con còn mệt hơn đi làm. Chỉ vui khi chơi dưới 30 phút thôi. Quá giờ là mình phải tìm cách ‘lỉnh' ngay." Có ông đùa vui "Nó chỉ thích chơi mỗi trò chui vào tủ quần áo. Chơi đi chơi lại không biết chán nhưng bố nó chơi đến lần thứ 500 là chán lắm rồi". Tôi thắc mắc "Thế không chơi với con, nó không bám bố, không yêu bố thì có buồn không?". Cậu bạn tôi, có con 3 tuổi sắp đi mẫu giáo, là người có con sớm nhất giảng giải ra vẻ kinh nghiệm: "Trẻ con có biết gì đâu. Lớn lên là quên hết. Bây giờ chơi với nó thì cũng chẳng được gì. Lúc nó bé thế này, nó yêu ai thì chỉ "khổ" người đấy thôi. Tha hồ mà bị nó bám, nó theo. Chẳng làm gì được. Đợi nó lớn rồi chơi với nó cũng không muộn." Nghe phân tích "chí lý" của ông bạn, đám đàn ông ngồi đấy ai nấy cười rộ xong gật gù tán thưởng. Bây giờ thì đến lượt tôi ngạc nhiên và có phần thương thay cho những đứa trẻ của những ông bố, bà mẹ này. Người lớn bây giờ đến việc chơi với con cũng lười mất rồi.
Tôi thấy nhiều người hay nói với tôi rằng "Trẻ con bây giờ sướng thật" mỗi khi nhìn thấy chúng được mặc những bộ quần áo hàng trăm nghìn, uống những hộp sữa ngoại có giá đến hơn nửa triệu đồng, rồi thì ăn yến, ăn cá hồi, ăn tôm hùm....đủ kiểu. Thế nhưng theo tôi, trẻ con bây giờ khổ nhiều hơn sướng.
Tôi đã từng thấy rất nhiều những đứa trẻ yêu giúp việc hơn mẹ, bám ông bà nội hơn bố. Tôi từng thấy những đứa trẻ đã 21 tháng, chưa biết đi nhưng đã biết mở ipad, tivi, ngồi chơi điện tử nhoay nhoáy và chuyển kênh nhanh như chớp. Tôi cũng thấy những đứa trẻ có bố mẹ là người Hà Nội ‘chính gốc' nhưng con lại nói giọng...Thanh Hóa đặc sệt. Tất cả chỉ vì bố mẹ lười chơi với chúng.
Để chu cấp cho con có được một cuộc sống đầy đủ, cơm ngon áo đẹp trường quốc tế xịn, rất nhiều những ông bố bà mẹ Việt đã quên đi đời sống tinh thần của trẻ. Trẻ con thành phố lại càng thiệt thòi hơn ở nông thôn. Ở những vùng nông thôn, nếu bố mẹ bận rộn không chơi được với con, chúng cũng có thể chạy chơi với nhau, đùa nghịch cùng nhau. Vậy nhưng ở thành phố, trẻ con không những không được chơi với bố mẹ, chúng còn bị nhốt trong những căn phòng bê tông kiên cố với đầy những đồ chơi vô tri. Chúng không được giao tiếp, được gặp gỡ, được khám phá môi trường và con người xung quanh chỉ vi theo bố mẹ chúng "ở ngoài đường nguy hiểm lắm!".
Rất nhiều những ông bố bà mẹ Việt một ngày đi làm 8 tiếng, về đến nhà, đàn bà bận nấu cơm rửa bát, đàn ông bận tivi, phim ảnh. Nghỉ ngơi, ăn uống chán chê lại tiếp tục bật máy tính lên làm việc đến khuya. Hôm sau lại một guồng quay tương tự như vậy. Nhiều khi, âm thanh duy nhất trong gia đình chỉ là tiếng nỉ non trong những bộ phim Hàn Quốc bà mẹ xem và tiếng lạch cạch bàn phím của ông bố mải online và làm việc. Trẻ con chỉ biết ngồi một góc, đứa bé thì chơi một mình, đứa lớn thì phải ngồi làm bài tập về nhà. Chúng ta đang thờ ơ, đang vô cảm, đang độc ác với con của mình mà không hay biết.
Rất nhiều phụ huynh ngày nay giao phó việc chăm con cho giúp việc, trông cậy việc dạy dỗ vào nhà trường mà quên đi vai trò vô cùng quan trọng của bố mẹ. Đối với trẻ nhỏ, chơi không chỉ đơn thuần là chơi, chúng còn là cách bé học, cách bé tiếp thu những kỹ năng sống, giúp bồi đắp tâm hồn con và làm tình cảm gia đình thêm gắn bó. Không ai có thể không thừa nhận rằng một đứa trẻ 1,2 ngày tuổi cũng đã có tình cảm, đã biết yêu biết ghét và biết ai thật lòng chăm sóc mình. Bỏ mặc con ngay trong thời điểm này, tức là cha mẹ đã để lại một lỗ hổng lớn trong tâm hồn và cả trong trí não con. Những đứa trẻ được bố mẹ quan tâm, trò chuyện sẽ biết nói sớm hơn, biết đọc sớm hơn và trí thông minh cũng phát triển hơn những bé khác.
"Cha mẹ chính là giáo viên tốt nhất của con" - tôi luôn tâm niệm trong đầu như vậy. Do đó, thay vì ngồi lướt facebook hàng giờ, tôi cắt nó đi và để ra 2 tiếng trò chuyện với con. Thay vì đến công sở ngồi chơi rồi về nhà hì hụi làm việc, tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc trong đúng 8 tiếng quí giá mỗi ngày, thời gian buổi tối, tôi dành để kiểm tra và đôn đốc việc học hành của con. Thay vì mải đi mua sắm, đi spa cho bản thân, tôi rút ngắn chúng và dành những ngày cuối tuần đưa con đi công viên, đi bảo tàng và về thăm quê hai bên nội ngoại. Tôi luôn ước gì, một ngày của tôi nhiều hơn 24 tiếng, để tôi có thể ở bên và cho con những kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu với bố mẹ mình.