Bệnh sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính ở trẻ nhỏ với hai dấu hiệu chính là: sốt cao, nốt ban đỏ khắp cơ thể và có ít nhất một trong những dấu hiệu sau đây:
- Ho
- Chảy nước mũi
- Miệng đỏ và đau, có nốt ban trắng ở niêm mạc miệng (hạt koplik)
- Mắt đỏ
Sau 8-12 ngày bị nhiễm virus, xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên. Các dấu hiện bệnh xuất hiện tuần tự như sau: sốt cao, ho, mắt đỏ và có các nốt trắng ở miệng. Các dấu hiệu trên xuất hiện 3-4 ngày thì nốt ban đỏ xuất hiện, thường bắt đầu từ sau tai và trước trán, sau đó lan khắp cơ thể.
Ban đỏ xuất hiện sau 1-2 ngày thì nốt trắng ở miệng biến mất. Sốt thuyên giảm sau 3-4 ngày có ban đỏ và ban biến mất sau 5-6 ngày, để lại trên da những vết tím trong một thời gian. Trong giai đoạn phục hồi, da thường đóng vẩy. Thời gian phục hồi có thể kéo dài hàng tháng. Trong thời kỳ này trẻ dễ dàng bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác và sức đề kháng của cơ thể giảm.
Bước xử trí đầu tiên sau khi chẩn đoán sởi là phân loại xem trẻ mắc sởi thể nhẹ (không có biến chứng) hay thể nặng (có biến chứng).
Hỏi bà mẹ để biết trẻ có các dấu hiệu sau đây hay không: ho, thở nhanh, khó thở, thở rít (thì hít vào), co giật, ngủ li bì, tai chảy dịch, tiêu chảy, nôn, bú kém hoặc bỏ bú.
Thầy thuốc khám (quan sát và lắng nghe) để tìm các dấu hiệu sau đây: thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mất nước, suy dinh dưỡng nặng, tổn thương giác mạc mắt, màng nhĩ đỏ, tai chảy dịch, loét niêm mạc.
Sởi nặng thường xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm chủng và bị:
- Thiếu vitamin A.
- Sống ở nơi đông đúc.
- Dưới 1 tuổi.
- Suy dinh dưỡng nặng.
- Suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV hoặc mắc AIDS).
- Bị lây sởi từ người khác trong nhà.
Xử trí trẻ bị sởi nhẹ
Trẻ bị sởi nhẹ là chưa có biến chứng và có thể điều trị tại nhà.
Nuôi dưỡng: Cần tích cực động viên trẻ ăn và uống. Nếu trẻ còn bú mẹ, cần tiếp tục cho bú. Đối với những trẻ ăn sam, cần tăng cường thức ăn giàu năng lượng. Cho trẻ ăn từng ít một và tăng thêm một số thức ăn. Thức ăn nên nấu mềm, dễ ăn. Cho trẻ uống nhiều nước, nhất là các loại nước hoa quả tươi để bổ sung vitamin. Cho trẻ uống một viên nang vitamin A (trẻ trên 1 tuổi uống loại viên 200.000 đv, dưới 1 tuổi cho uống 100.000 đv). Đưa cho bà mẹ viên thứ hai và dặn cho trẻ uống vào ngày hôm sau.
Nếu trẻ sốt (từ 39oC trở lên), hoặc quấy khóc vật vã nhiều, hướng dẫn bà mẹ cho trẻ dùng paracetamol. Nếu trẻ bị sốt (nhưng không có thở nhanh), có thể cho dùng thuốc hạ sốt đông y, ví dụ như chanh hấp mật ong. Nếu trẻ bị tắc mũi, có thể nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Nhỏ nước muối sinh lý vào một mảnh vải bông sạch mềm. Cuộn mảnh vải thành hình sâu kèn, rồi đặt nhẹ nhàng vào lỗ mũi trẻ.
Giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách thường xuyên dùng gạc sạch lau rửa miệng bằng nước sạch pha một ít muối hoặc nếu có vết loét thì chấm thuốc tím 1%. Lau mắt cho trẻ hằng ngày bằng vải bông sạch thấm với nước sạch. Nhỏ mắt bằng thuốc nhỏ mắt chloramphenicol 0,4%.
Nếu bệnh tình không đỡ, trẻ ốm nặng hơn, có dấu hiệu của biến chứng, trẻ không ăn, trẻ nhỏ bỏ bú, bị đau tai, niêm mạc miệng bị loét nặng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời. Đối với các cháu đã khỏi vẫn cần được theo dõi cẩn thận và thường xuyên đưa đến y tế kiểm tra để kịp thời phát hiện các bệnh nhiễm khuẩn khác hay mắc sau sởi.
Xử trí trẻ bị sởi nặng
Tất cả các trẻ bị sởi nặng cần được điều trị tại bệnh viện. Về cơ bản cũng điều trị giống như sởi nhẹ. Ngoài ra cần phải điều trị các biến chứng và các bệnh nhiễm khuẩn kèm theo như viêm phổi, viêm thanh quản, viêm khí quản do vi khuẩn, tiêu chảy, tổn thương giác mạc, viêm tai cấp, suy dinh dưỡng, có nguy cơ bị mù, viêm não mất nước...
Trẻ bị biến chứng sởi nặng thường có các dấu hiệu: ho kèm thở nhanh, thở rít (thì hít vào), mất nước, phân có máu, cân nặng thấp, có những sẩn trắng hoặc vết loét ở giác mạc, ngủ li bì hoặc co giật.
Ngày nay, nhờ thành quả tiêm chủng mở rộng, trong nhiều năm qua số trẻ bị mắc sởi đã giảm hẳn. Các thể bệnh nặng và biến chứng hầu như rất hiếm gặp.
Để phòng bệnh sởi, cách tốt nhất là cho trẻ tiêm văcxin phòng sởi theo lịch tiêm chủng do Bộ Y tế quy định: mũi 1 khi trẻ được 9-11 tháng tuổi; tiêm nhắc mũi 2 khi trẻ vào lớp 1 (6 tuổi)