Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Trẻ bị suy dinh dưỡng khiến cơ thể chậm phát triển, thiếu cân và bệnh tật. Đây là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở lứa tuổi mầm non.
Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em: Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng
*Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng:
• Trẻ chậm tăng cân, không lên cân thậm chí là sụt cân, giảm cân trong 2-3 tháng
• Da xanh, tóc mọc thưa, rụng tóc ở vùng chẩm (chiếu liếm).
• Chậm phát triển như chậm đi đứng, bò ngồi so với cùng lứa tuổi. Ít vận động và hay quấy khóc
• Chậm mọc răng
• Bắp thịt ở tay chân mềm nhão, bụng to dần
• Trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa
• Ngủ hay trằn trọc, ngủ giấc ngắn, hoặc giật mình khóc thét khi đang ngủ.
• Trẻ biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt, khó chịu, ít vui chơi, kém linh hoạt.
• Thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng.
Ngoài các dấu hiệu trên thì để nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng hay không cha mẹ cần theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ:
Cách 1: Dựa vào cân nặng theo tuổi. Khi trẻ mới sinh nặng cỡ 3 kg, sau 5 tháng tăng gấp đôi, 12 tháng tăng gấp ba; sau đó mỗi năm tăng thêm 2 kg. Khi bé 6 tuổi thì cân nặng phải là 20 kg. Nếu ở vùng xa không có cân, có thể đo vòng cánh tay trẻ 1-5 tuổi. Trẻ bình thường 14-15 cm; nếu dưới 13 cm là suy dinh dưỡng
Cách 2: Dựa vào chiều cao theo tuổi. Khi mới sinh trẻ dài 50 cm, 6 tháng dài 65 cm, 12 tháng: 75 cm, 2 tuổi: 85 cm, 3 tuổi: 95 cm, 4 tuổi: 100 cm. Sau đó, mỗi năm chiều cao tăng thêm 5 cm, khi bé 8 tuổi phải cao 120 cm.
* Nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng
1. Trẻ biếng ăn.
2. Cha mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng cho con cũng như cách chăm sóc con chưa đúng cách.
3. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ không cung cấp được nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho con.
4. Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng như giun, sán,…hoặc thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Khi bệnh trẻ thường biếng ăn, những kháng sinh được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng vừa có tác động diệt vi trùng gây bệnh, vừa diệt bớt các vi khuẩn thường trú có lợi cho cơ thể tại đường ruột làm giảm quá trình lên men thức ăn, dẫn đến biếng ăn và kém hấp thu.
5. Một số nguyên nhân khác gây bệnh suy dinh dưỡng ít gặp hơn: trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều; hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp tăng cường
Tác hại của bệnh suy dinh dưỡng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ
Giai đoạn đầu đời là 1 trong những giai đoạn vàng của sự phát triển. Thiếu dinh dưỡng ở thời điểm này sẽ khiến trẻ dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm do hệ miễn dịch không tốt.
Hơn thế, sự thiếu hụt một chất dinh dưỡng có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng khác. Ví dụ, sự thiếu hụt chất sắt, magiê và kẽm có thể gây chán ăn và do đó dẫn đến giảm tiêu thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khác như protein. Lượng lipid thấp cũng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu các vitamin quan trọng tan trong chất béo như vitamin A và D. Thiếu kẽm và protein có thể làm chậm sự tăng trưởng và phát triển xương, khiến trẻ có nguy cơ bị biến chứng lâu dài.
Các tác động ngắn hạn của bệnh cuối cùng sẽ nhường đường cho các biến chứng lâu dài, chẳng hạn như chậm tăng trưởng và nhận thức.
Suy dinh dưỡng không chỉ tác động đến tăng trưởng trong ngắn hạn, mà còn giới hạn sự phát triển của xương bé. Thêm vào đó, trẻ sẽ bị liệt vào dạng thấp còi và có thể không bao giờ có thể lấy lại tiềm năng tăng trưởng bị mất nếu bé tiếp tục sống trong tình trạng dinh dưỡng bị thiếu hụt như vậy.
Hơn thế, bệnh suy dinh dưỡng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của não gây ra sự chậm trễ trong vận động và phát triển nhận thức, chẳng hạn như:
– Rối loạn thiếu tập trung
– Giảm kết quả học tập
– Giảm chỉ số IQ
– Trí nhớ kém
– Bệnh tật
– Kỹ năng xã hội giảm
– Khả năng phát triển ngôn ngữ kém
– Năng lực tự giải quyết vấn đề giảm
Có thể thấy căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng ngoại hình mà còn ảnh hưởng đến cả sự sống của trẻ. Vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý để chăm sóc, điều chỉnh cho bé có cơ thể và trí lực tốt hơn.