Không đơn thuần là bệnh lành tính như nhiều người nghĩ, bệnh trái rạ (còn gọi là thủy đậu) lây lan rất nhanh, gây nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa bằng cách tiêm chủng
Bệnh trái rạ xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ em dưới 10 tuổi. Tại VN, trái rạ là bệnh truyền nhiễm phổ biến và hằng năm vẫn gây ra những vụ dịch, nhất là ở trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học.
Biến chứng viêm màng não, viêm gan, nhiễm trùng huyết...
Bệnh trái rạ do siêu vi khuẩn Varicella-Zoster gây ra. Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, nhưng trong một số trường hợp, nhất là trẻ em, có thể không có triệu chứng báo động. Sau đó cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ” tròn, nhỏ, xuất hiện trong vòng 12-24 giờ rồi tiến triển thành mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc toàn thân hay rải rác trên cơ thể, trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Bình thường, những mụn nước này khô đi thành vẩy và tự khỏi hoàn toàn trong 4-5 ngày.
Dù thường lành tính nhưng trái rạ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan... thậm chí gây tử vong nếu trẻ không được điều trị kịp thời. Nhiễm trùng nốt rạ có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da. Thai phụ mắc bệnh thủy đậu có thể sinh con dị tật bẩm sinh sau này. Một biến chứng muộn thường gặp của trái rạ là bệnh zona (còn gọi là giời leo), là dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh trái rạ. Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt...
Nên tiêm ngừa khi dịch bệnh chưa xảy ra
Khoảng 90% người chưa tiêm ngừa hoặc chưa từng bị trái rạ trong gia đình sẽ bị lây bệnh nếu tiếp xúc với người thân bị nhiễm bệnh. Bệnh trái rạ lây lan qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của người bệnh hoặc lây do tiếp xúc trực tiếp với mụn nước trái rạ. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với quần áo hoặc vải trải giường... bị ô nhiễm bởi chất dịch từ bóng nước hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh. Ngoài ra, trái rạ còn có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai.
Bệnh trái rạ có thể hoàn toàn phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin. Không những giúp phòng ngừa được bệnh trái rạ, vắc xin còn có thể ngừa được bệnh zona sau này. Vắc xin trái rạ thường dùng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và cho những ai chưa từng bị bệnh. Những người có hệ miễn dịch suy yếu nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm ngừa.
Cũng như các loại bệnh truyền nhiễm khác, tiêm ngừa trái rạ cần thực hiện trước khi dịch bệnh bùng phát. Ở nước ta, bệnh trái rạ lưu hành quanh năm nhưng thời điểm nhiều nhất là vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô tức là khoảng tháng 1 đến tháng 4 hằng năm. Do đó để chủ động phòng chống bệnh cần tiêm ngừa sớm vào thời điểm dịch bệnh chưa xảy ra, tức vào khoảng tháng 8 đến tháng 12. Khi dịch đã xảy ra rồi mới chích ngừa thì đôi khi chúng ta vẫn mắc bệnh do vắc xin chưa kịp có tác dụng. Ở khu vực phía Nam, để tiêm ngừa bệnh trái rạ người dân có thể đến Viện Pasteur TPHCM, trung tâm y tế dự phòng TP (tỉnh), các trung tâm y tế quận (huyện)...