Tuần trước tôi chở cô con gái của mình đi lấy kết quả thi Movers tiếng Anh. Nhìn kết quả, tôi ôm bé vào lòng và thì thầm "cảm ơn con". Con gái kinh ngạc: "Sao mẹ lại cảm ơn con, con có làm gì được cho mẹ đâu". "Mẹ cảm ơn vì con đã cố gắng". Bé leo lên xe về, rất vui, cứ ôm chặt mẹ.
Tôi có lần quan sát hình ảnh hai mẹ con cô bán xoài trước cửa nhà mỗi trưa. Cô đi bán và dắt theo cậu con trai chừng tám tuổi. Cậu bé ngoan và nghe lời mẹ. Mỗi khi có khách mua xoài, cậu giao xoài kèm lời cảm ơn rất lễ phép. Không chỉ vậy, mỗi lần khách đi rồi, cô bán xoài đều nói với con trai "cảm ơn con" và hai mẹ con cười nói vui vẻ.
Ngày nào cũng vậy, tôi cũng được nghe người mẹ nói lời cảm ơn con, được thấy cậu bé đón nhận với vẻ vui sướng. Nhiều hôm tôi nhìn hai mẹ con mà vui lây. Cô bán xoài phân trần với tôi: "Tôi nói, để con bắt chước làm theo cô ạ". Bài học dạy con nho nhỏ ấy, đôi khi chúng ta quên và phớt lờ đi. Hoặc tự nhủ "con mình sao lại cảm ơn", qua thời gian, đến khi con lớn lên, nói một lời cảm ơn bắt đầu thấy khó khăn, e ngại. Vậy sao chúng ta không bắt đầu từ khi con còn nhỏ.
Mỗi người, luôn luôn có những phương pháp dạy con khác nhau, tùy hoàn cảnh và tâm tính đứa trẻ với đích đến cuối cùng là con sẽ trưởng thành, nên người và sống đời bình an. Khó tránh chuyện cha mẹ mong muốn gánh hết cho con những sóng gió cuộc đời, muốn con thành ông Nghè, ông Tổng. Chính vì lẽ đó, chúng ta lại vô tình đặt lên vai con trách nhiệm: trách nhiệm phấn đấu, trách nhiệm làm con ngoan, trách nhiệm học hành đỗ đạt. Gánh nặng ấy, nếu không được cha mẹ chia sẻ, động viên, khuyến khích hẳn sẽ khiến con mỏi mệt. Nếu chẳng may trượt ngã ở giai đoạn nào đó trong đời, con cái chúng ta sẽ biết tìm nơi nào mà nương náu?
Tôi từng hỏi một người quen khi nghe con gái chị giành được suất học bổng du học Mỹ: "Chị dạy con thế nào?". Chị trả lời đơn giản: "Chị học từ ba mẹ chị, luôn luôn cảm ơn con, ông bà mình ngày xưa có nhiều cách dạy con hay lắm em ơi". Cô bé con của chị, từ nhỏ đã luôn nhận được lời cảm ơn từ cha mẹ mình. Ngay khi cháu vừa khỏi bệnh, hôm xuất viện, chị đã thì thầm với con: "Cảm ơn vì con đã khỏi bệnh". Khi cháu thi trượt kỳ thi học sinh giỏi cấp quận năm lớp 5, chị đã cảm ơn con thế này: "Cảm ơn vì có thất bại này, con sẽ học được nhiều điều hơn. Cứ thế, mỗi một giai đoạn của con, chị luôn bên cạnh để cảm ơn động viên cô con gái".
Tôi nhớ ông nội mình, người nông dân ít học, nhưng những lời khen kịp thời của ông luôn làm tôi náo nức. Tôi nhớ cô chủ nhiệm năm lớp 9, khi bạn lớp trưởng thi rớt kỳ thi vào lớp 10, cô chạy đến nhà, ngồi xuống với bạn ấy rồi nói: "Ngày xưa cô cũng học trường bán công, cảm ơn em đã hỗ trợ cô và các bạn suốt năm học qua".
"Cảm ơn con", ba chữ đơn giản ấy hàm chứa biết bao ý nghĩa trong cuộc song hành cùng con. Những lời nói đi ra từ trái tim luôn có sức lay động mãnh liệt. Cảm ơn, khích lệ, động viên, khen tặng... cha mẹ hãy luôn nhớ để cùng con lớn khôn.