Để con cùng tham gia làm việc nhà là điều mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng nên làm. Thông qua các công việc nhà, trẻ có thể biết được lao động là vất vả như thế nào và hình thành ý thức coi trọng thành quả của lao động.
Cha mẹ nên bắt đầu dạy con làm việc nhà như thế nào?
Không dạy con làm việc nhà, trẻ sẽ trở nên lười biếng, ỷ lại và sau này sẽ thiếu tự tin trong cuộc sống do không biết làm gì cả. Nhưng để bắt đầu cha mẹ cần phải làm gì, giao việc nào cho con?
Khi quyết định cho con tham gia cùng làm việc nhà, trước tiên, cha mẹ nên cân nhắc xem công việc nào là phù hợp với lứa tuổi của con.
Nên tìm cách tăng hứng thú khi làm việc nhà cho trẻ.
- Trẻ từ 3 đến 5 tuổi có thể tự thu dọn đồ chơi vào giỏ sau khi chơi xong, tự dọn giường ngủ cho gọn hơn, cho vật nuôi ăn...
- Trẻ từ 6 đến 8 tuổi có thể giúp mẹ lau dọn bàn ăn, phơi quần áo cùng mẹ hoặc đổ rác...
- Trẻ từ 9 đến 12 tuổi có thể rửa bát, hút bụi, quét dọn vườn tược, nhổ cỏ...
- Trẻ lớn hơn có thể giặt là, nấu ăn, cọ phòng tắm...
Tuy nhiên, những sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối, tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh riêng của từng gia đình mà cha mẹ cho con cái làm những công việc phù hợp sao cho không ảnh hưởng tới việc học hành của con cái.
Các nguyên tắc cha mẹ cần tuân thủ khi dạy con làm việc nhà
1.Tìm niềm vui trong công việc:
Cho bé đóng vai robot hoặc siêu nhân khi dọn đồ chơi. Cha mẹ có thể tìm những bài hát vui nhộn khi bé làm việc.
2.Tìm các thách thức khó hơn:
Về lâu dài, một cách khen thưởng sẽ giảm dần tác dụng khi dạy con làm việc nhà. Thay vào đó, cung cấp cho bé một công việc thách thức, thậm chí khó khăn hơn; sau đó, tặng bé những phần thưởng mới, xứng đáng. Chẳng hạn, nếu bé muốn cọ cốc nhựa, nên thách thức để bé cọ làm sao cho nhanh và sạch hơn. Hoặc thay vì để bé nhổ cỏ dại trong vườn, có thể cho bé một cái cào (hay xẻng) nhỏ để bé làm việc khó khăn hơn như xới đất hay trồng hoa.
3.Linh hoạt các thói quen:
Để bé được tự lên kế hoạch mua thực phẩm và giúp mẹ chuẩn bị nấu nướng một lẫn mỗi tuần, có thể là dịp cuối tuần. Điều này không chỉ khiến bé thoải mái mà còn kích thích bé tư duy, biến việc nấu ăn giúp mẹ trở nên vui vẻ, thay vì buồn tẻ.
Ngoài ra, có thể để bé dọn phòng của anh (chị em) bé thay vì luôn phải tự dọn phòng mình như một sự thay đổi.
4.Khuyến khích và ngợi khen:
Mặc dù bé có thể từ chối hoặc thỉnh thoảng bê trễ việc nhà nhưng bé vẫn khao khát cảm giác được cha mẹ coi trọng. Vì thế, nên khích lệ và khen bé thường xuyên; chẳng hạn: "Cảm ơn con đã giúp mẹ hút bụi". Khen ngợi khi bé giúp mẹ chăm sóc mèo con trong nhà hay gấp giúp mẹ một "núi quần áo".