Giáo dục giới tính luôn là mối bận tâm lớn của phụ huynh. Đây là nhiệm vụ khó khăn không ai có thể làm thay cha mẹ.
Với nhiều gia đình, việc dạy con về giới tính còn xa lạ. Cha mẹ lại chính là người ngại ngùng khi nói chuyện với con. Tuy nhiên, đây là kiến thức quan trọng cho trẻ khi chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì, cũng như biết cách xử lý trong một số tình huống nguy hiểm, đe dọa tới sự an toàn của con.
Dưới đây là chia sẻ của hot mom Thủy Anh - bà xã ca sĩ Đăng Khôi - về một số cách thức dạy trẻ nhỏ về giới tính, có thể truyền đạt ngay từ giai đoạn tiểu học.
Nói chuyện với con về sự khác biệt giữa nam và nữ
Đây là bài học “vỡ lòng” cho trẻ nhỏ khi học về giới tính. Trẻ có thể quan sát được sự khác biệt của bạn nam và bạn nữ ở trường học hoặc khi vui chơi cùng nhau. Các bạn nam sẽ có dương vật, đến tuổi dậy thì vỡ giọng, lông bắt đầu mọc ở cơ quan sinh dục và một số vùng trên cơ thể. Đối với các bạn nữ, ngực sẽ phát triển hơn, cơ quan sinh dục cũng sẽ khác nam.
|
Bà xã ca sĩ Đăng Khôi và hai nhóc tỳ kháu khỉnh. |
Cha mẹ hãy sử dụng những hình ảnh khoa học dễ hiểu, thuật ngữ đúng, không phải một cái tên bạn tự nghĩ ra và luôn nhắc nhở con đây là kiến thức quan trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng cha mẹ nên bắt đầu dạy trẻ từ 4 tuổi, vì đó là đối tượng dễ bị quấy rối nhất trong nhóm trẻ dưới 12 tuổi.
Tạo môi trường nói chuyện thân thiện và dễ chịu
Đừng bắt đầu bài học quá căng thẳng hay như một giờ trên lớp, những câu chuyện như về giới tính cần được chia sẻ gần gũi, nhẹ nhàng với con. Cha mẹ cần tạo được không gian chia sẻ thoải mái cho trẻ. Thủy Anh thường chọn một góc ấm cúng, yên tĩnh trong nhà để con thoải mái tâm sự. Trẻ sẽ biết luôn có một nơi an toàn để chia sẻ cùng bố mẹ.
Hãy để trẻ tiếp thu chủ động, không nên bắt con nhớ như học thuộc lòng và có kiểm tra. Bạn có thể lồng ghép nhiều cách khác nhau để con tiếp thu dễ hơn.
Mối quan hệ với bạn bè
Cha mẹ hãy lập cho con một danh sách được làm và không được làm trong mối quan hệ với bạn bè liên quan tới vấn đề đụng chạm cơ thể, kể cả bạn cùng giới hay khác giới. Các con cần phải nhớ những mối nguy hiểm từ việc xâm hại đồng giới cũng có thể xảy ra nên không loại trừ trường hợp nào cả.
|
Con trai lớn của Thủy Anh cũng sắp bước vào tuổi dậy thì. |
Trẻ cần ghi nhớ không chạm vào các vùng kín trên cơ thể của nhau, việc nô đùa va chạm bên ngoài cũng cần chú ý. Nếu bạn bè có dấu hiệu không thoải mái phải dừng lại ngay lập tức. Các phụ huynh có thể vạch ra chi tiết hơn cho con ranh giới của việc đụng chạm, như chạm vào tay thì được phép nhưng không được chạm vào vùng ngực hay cơ quan sinh dục. Ngoài ra, bố mẹ có thể dạy trẻ cần biết che vùng riêng tư khi đi bơi nơi công cộng.
Chỉ cho con những biểu hiện thay đổi cơ thể
Để trẻ không hoang mang khi bước vào độ tuổi dậy thì, bố mẹ cần nói cho con hiểu rõ sự thay đổi trên cơ thể sẽ diễn ra như thế nào. Nguyên tắc là không sử dụng các câu chuyện tự bịa hay cách dùng từ né tránh quá xa so với nghĩa gốc.
Các bé trai sẽ trải qua những “giấc mơ ướt” - mộng tinh, lông nách phát triển cùng với lông ở cơ quan sinh dục. Cha mẹ cần quan tâm khi nào nên cho trẻ mặc quần lót cũng như tại sao con nên mặc. Con trai lớn của Thủy Anh sắp bước vào tuổi dậy thì nên những kiến thức như vậy rất quan trọng cho con.
Có nhiều bà mẹ vẫn cho con sờ ngực dù đã vào cấp một. Theo Thủy Anh, đây là điều không nên. Bạn nên tránh hoặc phải nói cho con rõ về những thói quen như vậy khi ở nơi đông người.
Dạy con biết chăm sóc những vùng nhạy cảm trên cơ thể
Song song với việc bảo vệ bản thân, để ý tới những thay đổi trên cơ thể, các bậc phụ huynh cũng nên dạy con chăm sóc vùng nhạy cảm, đặc biệt là cơ quan sinh dục. Đây là điều quan trọng với các bé gái khi tới kỳ kinh nguyệt, cơ quan sinh dục sẽ có những chuyển biến đáng kể. Trẻ sẽ lúng túng, không biết xử lý ra sao nếu không có sự giúp đỡ, tư vấn của cha mẹ.
Nếu các phụ huynh không biết dạy cho con trẻ như thế nào, hãy tham khảo một số chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn sức khỏe. Cha mẹ có thể trao đổi với giáo viên tại trường học của con để cùng xây dựng kế hoạch giáo dục giới tính hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi và theo dõi sát sao các mối quan hệ của trẻ tại trường.