"Tối nay nhà mình cùng chơi trò gì?"
Những người từng có con nghiện game thường đổ cho con hư đốn, nhưng sau hành trình đưa con ra khỏi cơn mê, nhiều người nhìn lại và hối hận vì đã không thực hiện tốt vai trò làm cha mẹ. Chị Du Hoàng (từng đưa con trai đến cai nghiện game online ở Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam - Trung ương Đoàn TNCS HCM) luôn dằn vặt: "Tôi đã không chơi với con khiến con phải tìm đến những trò vô bổ, rồi trở thành nô lệ của game, mất tự chủ. Khi cha mẹ phó mặc con thơ cho "bạn phẳng" - điện thoại, Iphone để được rảnh rang, khỏe thân, con không chơi game thì biết chơi gì? Giờ vợ chồng tôi bắt đầu chú trọng chơi với con, may là vẫn chưa quá muộn".
Ảnh minh họa.
Chơi với thiết bị điện tử là tương tác một chiều, có vẻ thú vị nhưng lại cực kỳ nguy hại cho trí óc của trẻ. Thiết bị công nghệ thông tin hay đồ chơi gắn pin dần khiến trẻ chây lười, thụ động và hạn chế khả năng giao tiếp, tương tác với người khác. Khoa học đã chứng minh ở đứa bé mới sinh, não bộ đã có sẵn tế bào thần kinh nhưng sự kết nối của các tế bào này không tự nhiên có được mà phải được kích hoạt, truyền tải thông tin, từ đó mới hình thành và phát triển chức năng.
Chơi với con những trò chơi giáo dục là phương pháp hiệu quả để kích hoạt trí óc trẻ. Tùy trò chơi, đồ chơi và độ tuổi khác nhau, trẻ sẽ được rèn luyện vận động thô, vận động tinh; khả năng quan sát, ghi nhớ; nhận biết, phân biệt khối hình học, màu sắc; rèn óc thẩm mỹ; kỹ năng phán đoán, tư duy không gian, ngôn ngữ...
Chơi với con là cơ hội vàng để cha mẹ hiểu con, nắm bắt thiên hướng của con, thấy được những thiếu sót, hạn chế và phát hiện tiềm năng, thế mạnh để uốn nắn và định hướng, bồi dưỡng cho con. Con có lợi thế vận động sôi nổi hay thích tĩnh lặng để tập trung, chăm chú; con có năng lực lãnh đạo không; có biết rút kinh nghiệm không; có kiên trì, quyết chí không; có mạnh dạn học hỏi hay rụt rè, giấu dốt; có nhường nhịn hay cố chiến thắng bằng mọi giá... tất cả đều bộc lộ trong lúc chơi.
Cha mẹ chơi với con sẽ thiết lập được tình cảm thắm thiết, gần gũi. Trẻ cảm nhận được hơi ấm gia đình thông qua những trò chơi vui nhộn, bổ ích cùng với các "bạn chơi". "Mày có thoát game để học bài đi nghe không?", "Sao mày phá quá, hư quá?"... phụ huynh hãy thử dẹp bỏ những câu nói "dễ xa nhau" ấy, thay bằng "Các con, tối nay nhà mình chơi trò gì nào...". Chắc chắn các tay chơi nhí sẽ hưởng ứng, hợp tác và vui vẻ thực hiện theo thời gian biểu có chơi - có học - có phụ giúp việc nhà mà chúng đã cam kết.
Chơi mọi lúc mọi nơi
Cha mẹ nên thu xếp thời gian chơi với con, đừng để con một mình với những trò chơi mà chính cha mẹ cũng không biết rõ. Không cần chơi với con quá lâu. 15 - 20 phút trước - sau bữa cơm hay trước giờ ngủ là đủ. Nhưng 15 - 20 phút đó phải được duy trì bền bỉ, hằng ngày, thành một thói quen, thành một nhu cầu của cả trẻ và cha mẹ. Quan trọng là cha mẹ khi đã chơi với con thì phải hết mình, toàn tâm toàn ý.
Nhiều phụ huynh gặp cản ngại khi con chỉ thích chơi một mình. Thực ra, không phải trẻ không thích chơi với cha mẹ mà chính cha mẹ không biết cách chơi, không biết kích thích sự hứng khởi hay bày trò chơi không phù hợp với trẻ. Ép buộc trẻ chơi cũng khiến trẻ mất cảm hứng và dị ứng, ngại gần cha mẹ.
Cha mẹ có thể chơi với con mọi lúc mọi nơi. Gọi con dậy ăn sáng, mẹ thử đố con sáng nay mình đã chế biến món gì - món có màu vàng vàng, có sợi dài dài, vị béo béo... Đưa con đi học, cha con có thể chơi trò cộng số từ những bảng số xe trên đường...".
Theo Sơn Thanh - Phụ Nữ Online