Bậc cha mẹ nào cũng đều từng có trải nghiệm này: Khi được 6, 7 tuổi, con bỗng như trở thành một đứa trẻ hoàn toàn khác. Từ một em bé ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ các con bắt đầu học cách cãi lại, thậm chí phản đối cha mẹ.
Khi trẻ làm sai cần có những hình phạt thích hợp. (Ảnh theo Mocak.am)
Khi con có những biểu hiện này, các bậc cha mẹ cũng đừng nên quá chán nản, lo lắng. Bởi đây kỳ thực là những biểu hiện trong quá trình phát triển tự nhiên của con. Tùy theo độ tuổi, khi con càng lớn lên, ý thức độc lập tự ngã của con sẽ càng mạnh mẽ. Con bạn cũng sẽ có cách nhìn nhận, ứng xử riêng đối với những sự việc diễn ra xung quanh mình.
Thân làm cha mẹ, khi con có biểu hiện cãi lại người lớn, chúng ta không nên lờ đi, mà phải có cách xử lý phù hợp. Nếu bạn quá nhân từ và bỏ qua con sẽ coi thường bạn, sau này có thể sẽ càng làm ra những việc khiến bạn lo lắng hơn. Nhưng nếu bạn nghiêm khắc quá, con sẽ cảm thấy không thể bày tỏ cảm xúc cá nhân, dần dần xa lánh cha mẹ. Nếu thấy con cãi lại, bạn có thể thử áp dụng cách mà một bà mẹ Mỹ như sau:
1. Bảo trì tâm thái bình tĩnh
Kỳ thực từ trước khi cha mẹ chuẩn bị lên lớp "giáo huấn giảng đạo đức", bản thân con đã cảm nhận được không khí rất căng thẳng. Lúc này điều cha mẹ cần làm là càng bình tĩnh, nhẹ nhàng, ôn hòa càng tốt. Nếu bạn quát mắng, dọa dẫm chúng hoặc hét lên với con: "Mẹ là mẹ con đấy, con dám tranh cãi dám cãi lời mẹ như vậy à!". Những biểu hiện này chỉ càng làm sự việc trở nên tồi tệ hơn. Phương pháp tốt nhất trước tiên là nên nhẫn nhịn, đừng nói gì lúc đó cả. Sau đó hãy tự suy nghĩ và tự hỏi bản thân xem khi nói những lời đó liệu có thể hóa giải tình cảnh khó xử hiện nay không.
Nếu bạn vẫn cảm thấy rằng bạn muốn nổi cáu ngay lập tức hoặc vì con bạn đang nổi cáu rồi, vậy thì bản thân càng phải cố gắng giữ bình tĩnh hơn. Bạn hãy bảo con thoải mái thả lỏng một chút, đợi khi tất cả mọi người bình tĩnh rồi sẽ cùng nói chuyện. Nếu con cãi lại bạn ở nơi công cộng hoặc lúc có đông người, hãy giữ thể diện cho con. Đừng nên giáo huấn con trước mặt tất cả mọi người, hãy bảo con nên dừng nói về vấn đề này ở đây, đợi về nhà rồi tiếp tục.
2. Phán đoán nguyên nhân phát sinh vấn đề
Khi cãi lại bạn, đó đều không phải là điều thực sự trong tâm con muốn. Đôi khi vì một va chạm nhỏ nào đó ở trường học với bạn bè, tâm trạng con sẽ không thoải mái. Khi trở về nhà, con sẽ dễ bột phát cảm xúc, trút lên cha mẹ. Tại sao con lại có biểu hiện đó? Bởi vì trong lòng các con, cha mẹ vẫn là nơi an toàn nhất để có thể bộc lộ hết tâm trạng của mình. Đôi khi cũng bởi áp lực học hành quá lớn, con sẽ tranh cãi với bố mẹ và không muốn cứ bị giám sát ở trong phòng.
Khi những hiện tượng này xảy ra, điều đầu tiên các bậc phụ huynh nên làm là bình tĩnh, thử hỏi con nguồn gốc của cảm xúc đó là do đâu. Ví dụ bạn có thể hỏi con: "Hôm nay ở trường con xảy ra chuyện gì à?", hoặc: "Con có muốn ở một mình một lát không?"... Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, bạn sẽ dễ dàng giải quyết được vấn đề này.
3. Bày tỏ giới hạn của bản thân
Khi đưa ra yêu cầu với con, nếu đó là một đứa trẻ có tính cách mạnh mẽ, bạn có thể nhận được những lời này: "Mẹ đừng cằn nhằn mãi như thế được không!". Kỳ thực lúc đó con chỉ muốn nói với bạn rằng: "Việc này mẹ nói với con nhiều lần lắm rồi đấy".
Ở vào tình huống này, bạn có thể nói với con: "Con có thể không vui, có thể tạm thời không lý giải nổi những yêu cầu của bố mẹ với con, điều này bố mẹ tạm chấp nhận được. Nhưng hành động con chửi bới, gào thét lên với bố mẹ hoặc đuổi bố mẹ ra khỏi phòng là hành động tuyệt đối không được phép".
Biện pháp trừng phạt khéo léo
Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ nhất định nên để con hiểu rằng nếu làm việc không tốt, nói lời không hay sẽ phải chịu phạt. Sau đó, cần đặt ra những loại hình phạt tương ứng với mỗi lỗi con mắc phải. Ví dụ con sẽ không được xem ti vi, sẽ phải làm một số việc nhà giúp đỡ bố mẹ hoặc sẽ phải đi ngủ sớm. Đương nhiên điều quan trọng hơn là cần phải kiên trì với phương pháp "trừng phạt" này. Chỉ có như vậy, con mới cảm nhận được sự nghiêm khắc của cha mẹ, mới có thể chú ý tới hành động, lời nói của bản thân mình.
4. Động viên kịp thời
Khi con có thể biểu hiện sự tôn trọng người khác trong lời nói, cử chỉ của mình, bạn nên biểu dương khen ngợi. Có thể nói với con: "Cách mà con trả lời vừa nãy làm mẹ rất hài lòng. Mẹ rất thích cách trả lời đó". Hoặc bạn có thể nói: "Cách trả lời không gào thét hay tranh cãi của con khi nãy như vậy làm mẹ rất vui, hôm nay con làm rất tốt".
Những lời tán dương của bạn sẽ làm con cảm thấy vui vẻ, dễ chịu, đồng thời cũng sẽ giúp con ý thức được rằng cha mẹ mình không phải lúc nào cũng chỉ chăm chăm tìm sai sót. Chỉ cần một chút thay đổi nhỏ của mình, cha mẹ cũng có thể quan sát và cảm nhận được. Và đương nhiên nhận thức đó sẽ giúp con hiểu được từ nay về sau càng không nên cãi lại lời cha mẹ nữa