Theo các chuyên gia về tâm lý giáo dục, khi trường học chưa có lớp học bước đệm để trẻ làm quen với môi trường học đường thì phụ huynh cần phải có những bước chuẩn bị cần thiết về tâm lý.
Thay đổi môi trường đột ngột
Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thu Trang, Trung tâm Tâm lý của Trường Tiểu học Quốc tế VIP Hà Nội cho biết, lớp 1 là giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường "chơi" sang "học". Ở mẫu giáo, những nề nếp mà trẻ tuân thủ thường rất đơn giản như ăn, ngủ, đi lại, vui chơi.
Còn khi vào lớp 1, trẻ phải tuân thủ những quy định về học tập như: Đến lớp phải ngồi yên, khoanh tay lên bàn; không được tự do đi lại, tự do nói năng khi chưa xin phép... Những quy định này hoàn toàn lạ lẫm. Trẻ đang tự do ở môi trường mẫu giáo, bỗng dưng phải tuân thủ những quy định mới khiến cho trẻ bị sốc và hụt hẫng.
Hiện tượng trẻ không muốn đến lớp, không thích đi học, khóc lóc khi bố mẹ đẩy vào lớp, giả vờ đau bụng, hay bị ốm để được về nhà... là biểu hiện của tâm lý sợ hãi, chống đối. Nhiều phụ huynh có tâm lý đưa con đến trường là xong. Có đứa trẻ gào khóc nhưng bố mẹ vẫn đẩy con vào lớp, giao phó con cho thầy cô. Trong khi trẻ đang cảm thấy "bất an" trong môi trường học đường với những quy định, nề nếp mới thì cách ứng xử này của phụ huynh càng khiến cho trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Bên cạnh sự thay đổi đột ngột về môi trường trường học, khi trẻ bước vào lớp 1, trẻ cũng đồng thời phải đối mặt với hàng loạt những thói quen sinh hoạt mới. Ngoài những quy định về nề nếp ở trên lớp, trẻ còn phải học bài. Không những học trên lớp mà về nhà cũng phải học. Nhiều phụ huynh một phần vì áp lực bài vở của con, một phần không hiểu tâm lý trẻ nên đã có những phản ứng thiếu kiềm chế như quát nạt, dọa dẫm con...
Phụ huynh phải làm gì?
Tâm lý của trẻ bước vào lớp 1 rất cần một khoảng thời gian để làm quen với môi trường học đường. Thời gian lý tưởng là khoảng từ 1 - 2 tháng.
Tuy nhiên hiện nay trường học đang thiếu lớp học bước đệm này. Vì thế, phụ huynh thường phải tự dò dẫm, tự tìm hiểu để chuẩn bị tâm lý cho con.
Người nào chuẩn bị tốt thì việc học của trẻ diễn ra bình thường.
Phụ huynh nào không chuẩn bị tốt, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng hẫng hụt và sợ hãi trước sự thay đổi đột ngột từ mẫu giáo lên tiểu học.
TS tâm lý Nguyễn Kim Quý- Viện Tâm lý giáo dục Việt Nam
Theo thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thu Trang, khi thấy con có dấu hiệu "không muốn đi học" thì nên hiểu rằng, trẻ đang muốn truyền đạt nội tâm lo lắng. Lúc này, trẻ rất cần được chia sẻ, yêu thương và giúp sức từ bố mẹ.
Bố mẹ nên trò chuyện với con vào mỗi ngày, đặc biệt vào thời điểm đón con ở trường về. Lúc chia sẻ, phân tích cho con, phụ huynh cần có thái độ tích cực. Nếu con kể là được cô khen vì biết xếp hàng, bố mẹ nên khuyến khích việc làm của bé bằng một phần thưởng nhỏ nào đó. Nếu con kể bị cô phạt vì tự do đi lại, bố mẹ có thể chia sẻ bằng cách đặt vấn đề. Ví dụ: "Các bạn có làm như con không? Mẹ nghĩ, nếu con đứng dậy, các bạn cũng sẽ đứng dậy theo con, như vậy lớp học sẽ rất lộn xộn. Mẹ cam đoan, nếu lần sau con không tự ý đứng dậy đi lại trong giờ học nữa, cô giáo sẽ rất khen con đấy"...
Điều đặc biệt mà phụ huynh cần lưu ý nữa đó là lúc giúp con hoàn thành bài tập ở nhà. Về mặt cấu trúc não, thời gian buổi tối là lúc cần được nghỉ ngơi. Việc ép trẻ phải gồng mình lên để học là hết sức phi lý. Muốn trẻ "làm việc" trong khoảng thời gian này, phụ huynh cần có những mẹo nhỏ để khuyến khích và động viên trẻ.
Đối với trẻ học lớp 1, có thể khuyến khích trẻ học bằng cách cho trẻ điều kiện học tập, giao trách nhiệm học tập cho trẻ. Ví dụ, hỏi con muốn gì? Khi con hoàn thành chỗ bài tập này, con sẽ được làm điều con muốn. Bố mẹ hướng trẻ quan tâm đến điều kiện mà trẻ muốn, cũng là một cách giao trách nhiệm và rèn tính mục đích cho con. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần phải khéo léo trong cách giao trách nhiệm cho trẻ, bởi nếu không sẽ trở thành một sự thỏa hiệp, từ đó trẻ sẽ ra điều kiện lại với bố mẹ.
Một trong những khó khăn của trẻ mới vào lớp 1 nữa đó là khả năng tập trung kém. Phụ huynh có thể tập cho trẻ khả năng tập trung bằng viết chữ, tô màu, cắt dán hoặc ghép tranh...Ví dụ, khả năng của trẻ chỉ ngồi được trong 5 phút, phụ huynh có thể tăng khả năng tập trung của trẻ bằng cách căn giờ, tăng thời gian tập trung thành 10 phút. Cứ như vậy cứ tăng dần thời gian tập trung của trẻ từ 5 phút lên 10 phút, từ 10 phút lên 15 phút. Bằng sự kiên nhẫn và tâm thế thoải mái của mình, phụ huynh sẽ dần dần giúp con vượt qua "cửa ải" một cách dễ dàng.