Nền tảng của ý thức cộng đồng
Tôn trọng người xung quanh và lòng vị tha chính là cơ sở vững chắc nhất và nền tảng nhất của việc giáo dục ý thức cộng đồng. Con có tôn trọng người khác thì con mới có thể không xấn xổ, không lấn lướt, không tranh giành, không xâm phạm vào lợi ích, sức khỏe, sự an toàn của người khác.
Dạy con tôn trọng người khác ngay khi còn rất nhỏ để sự tôn trọng ấy là thói quen và rồi trở thành một ý thức. Khi con lầm lỗi, dạy con biết nói lời xin lỗi. Khi người khác cho con một món quà hay giúp con một việc nhỏ, dạy con biết nói cảm ơn. Dạy con tôn trọng sự riêng tư của người khác, không tự ý lấy, xem xét, mượn đồ đạc vật dụng của người khác mà không xin phép dù đó là người thân trong gia đình như anh chị em ruột.
Người bạn tôi bên Canada kể rằng, từ tuổi mẫu giáo, cô giáo đã dẫn các bé ra đường, đi xe buýt, vào công viên, đi siêu thị... dạy các em cách xếp hàng, cách băng qua đường, cách vào một công viên hay siêu thị không tranh giành, không chen lấn, không gây ồn ào, tôn trọng các luật lệ, nội quy nơi công cộng. Ngoài ra, các cô còn dạy các em vệ sinh thân thể, nói cảm ơn và xin lỗi, chia sẻ thức ăn trưa... Giáo dục trong nhà trường Việt Nam chưa làm được điều đó nên có lẽ giáo dục gia đình vẫn còn phải chú ý nhiều hơn.
Làm gương từ những việc nhỏ
Không phải cha mẹ nào cũng hiểu rằng hàng ngày con cái nhìn vào việc làm, hành động, ứng xử của cha mẹ như soi vào gương để học hỏi và làm theo.
Để dạy con về ứng xử nơi công cộng và ý thức cộng đồng, cần bắt đầu từ việc xây dựng "nếp nhà". Con có đi thưa về trình và đúng giờ quy định của cha mẹ hay không thì sau này trong công việc cơ quan, các buổi họp, buổi làm việc, tiệc cưới... con mới có thể đi đúng giờ. Hàng ngày trong gia đình, con biết lau, biết quét dọn thì sau này khi đến một tập thể lớn hơn con biết giữ vệ sinh chung và chung tay cùng người khác khi cần lau dọn phòng làm việc. Trong gia đình, con biết bỏ rác đúng nơi đúng chỗ thì sau này bước ra đường, con không xả rác bừa bãi...
Anh tôi kể, anh có tật hút thuốc nhưng mỗi khi muốn hút, anh ra sân ngồi hút một mình. Không bao giờ anh hút thuốc trong nhà. Khi những người bạn anh đến nhà chơi và rút thuốc ra, anh bảo bạn: "Mình ra sân hút thuốc đi...". Trong cơ quan cũng vậy, hễ những người nam cùng phòng rút thuốc ra, anh yêu cầu người đó ra hành lang hút để không ảnh hưởng tới sức khỏe của đồng nghiệp. Câu chuyện của anh làm tôi nhớ mãi.
Riêng bản thân tôi dạy con về ý thức cộng đồng từ khi con còn nhỏ. Con tôi được hai ba tuổi, Chủ nhật gia đình chúng tôi thường xuyên đi những khu du lịch để dã ngoại. Trước khi ra về, tôi và các con nhặt hết rác xung quanh bỏ vào thùng rác. "Hiện trường" còn sạch sẽ hơn so lúc chúng tôi tới vì chúng tôi nhặt rác ở diện tích rộng hơn. Kết quả tốt đẹp của việc dạy dỗ này tôi thấy rõ: một hôm, tôi chở con đi mua trái cây, con tôi lúc đó mới ba tuổi, vừa ăn kẹo singum xong. Bé đưa giấy gói kẹo nhét vào túi xách tôi.
Mấy chị bán trái cây nói: "Con cứ quăng giấy gói kẹo xuống đường đi". Thế nhưng con bé nhất quyết không nghe theo mà nhét giấy gói vào giỏ xách của tôi: "Thưa dì, con đem giấy gói kẹo về bỏ giỏ rác vì quăng ra đường là việc làm xấu". Các bà bán trái cây giật mình, khen con bé ngoan ngoãn và biết suy nghĩ.
Gieo những hành vi tốt cho con là cần thiết khi dạy con về ý thức cộng đồng. Một cô bạn tôi, nhà gần sát sông. Những người hàng xóm hay quăng rác xuống sông nhưng bạn tôi mang rác đổ mỗi ngày lên xe rác và vận động hàng xóm làm theo mình. Bạn tôi thường dặn các con: "Không quăng bất cứ một cọng rác nào xuống sông nhé con, vì đó là hành vi xấu, làm ô nhiễm môi trường nước...".
Có nhiều lần khi đang chạy xe chở con đi học, tôi nhìn thấy có những viên đá lớn do xe chở đá đêm qua làm rơi xuống đường. Tôi dừng xe sát vào lề phải, lượm đá đưa hết vào lề. Con tôi còn nhỏ, chưa hiểu nên hỏi: "Mẹ làm vậy để làm gì?". Tôi nói: "Mẹ sợ những người đi sau có thể cán vào đá và té xe, có thể bị thương tích thậm chí chết". Con tôi vui mừng nói: "Con hiểu rồi mẹ". Tôi biết rằng hôm nay mình đã gieo cho con một ý nghĩ tốt, và tin rằng, sau này con sẽ làm theo tôi.
Kiên nhẫn và cương quyết
Việc dạy cho trẻ về ý thức cộng đồng phải từ khi trẻ bắt đầu lẫm chẫm biết đi, bi bô tập nói. Dạy con ăn ở sạch sẽ thành một thói quen tốt thì con mới có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Dạy con quan tâm tới mọi người xung quanh thì con biết nhường chỗ cho người già, phụ nữ có thai trên xe buýt, biết nhường đường cho phụ nữ khi vào thang máy hay đi thang bộ, biết nhường ghế cho phụ nữ, người già nơi công cộng, biết xếp hàng và không chen lấn nơi đông người, không leo lề, vượt đèn đỏ...
Tuy nhiên, trẻ nhỏ rất hay quên và vô ý. Vì vậy, cha mẹ nhất thiết phải kiên nhẫn, kiên nhẫn vô cùng để uốn nắn con từ từ. Những hành vi lặp đi lại liên tục sẽ hình thành một thói quen tốt, một ý thức bất biến theo thời gian. Một lần, tôi chứng kiến bạn tôi, giáo viên văn và là mẹ của đứa bé gái ba tuổi. Con chị ăn xong trái chuối nhưng vỏ chuối vẫn để trên bàn và đi vào phòng tắm. Mẹ bé gọi: "Ly ơi, con chưa bỏ vỏ chuối vào thùng rác".
Nó nói vọng ra: "Mẹ bỏ giúp con". Người mẹ nói: "Không, con cần tự tay bỏ vào cho nhớ". Vậy là một lúc sau, bé ra khỏi phòng tắm lấy vỏ chuối bỏ vào giỏ rác. Lần sau nữa, con bé lại uống nước xong mà làm đổ ít nước trên bàn, chị nhẹ nhàng: "Con lau chỗ nước đi. Rửa ly và úp lên đúng chỗ của nó". Con bé ngần ngừ nhưng nhìn ánh mắt cương quyết của mẹ, cô bé liền làm theo. Chị nói với tôi: "Cha mẹ không thể làm thay cho trẻ được, phải dạy con có ý thức hơn về hành vi của mình. Sau này ra đời, không có cha mẹ bên cạnh bảo ban hàng ngày nữa, con cũng đã tự biết cách sống và cư xử cho văn minh lịch sự". Tôi thầm phục bạn mình.