Để trở thành cha mẹ tốt, tình yêu thương chưa đủ, mà cần phải học rất nhiều kỹ năng cộng với sự nỗ lực kiên trì học hỏi từng ngày mới có thể nuôi dạy con nên người.
Áp lực khi dạy nhưng con không vâng lời
Cô con gái 10 tuổi của chị H ở phường 3 (TP Tuy Hòa) vừa đi học về, bước chân đến cửa nhà chưa kịp cất cặp sách đã vội nói với mẹ: “Mẹ ơi! Cho con coi ti vi xíu nghen”. Nghe con nói vậy, chị H lớn tiếng quát nạt: “Con lúc nào cũng ti vi, ti vi. Trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến phim hoạt hình… thì tâm trí đâu mà học hành nữa. Thầy giáo luôn gọi điện phàn nàn với mẹ chuyện con học trên lớp mất tập trung, không để ý lời thầy cô giáo giảng bài”. Con bé ngay lập tức mặt mày buồn thiu, ỉu xìu, mới vào bàn cất sách vở đã nghe tiếp “lệnh” của mẹ: “Vào thay đồ nhanh lên, rồi còn học bài. Xem thử còn bài tập nào chưa hoàn thành trên lớp thì làm ngay đi!”. Con bé cự nự: “Con mới đi học về, nghỉ ngơi một chút cũng không được. Ba mẹ lúc nào cũng bắt con học, học, học… Con chán lắm rồi!”.
Nghe con nói như vậy, cơn giận của chị H bùng lên: “Con mà chán học như vậy thì từ ngày mai nghỉ luôn đi. Ba mẹ cũng mệt mỏi lắm, mỗi lần nhắc đến chuyện học hành với con như một cực hình. Lúc nào ngồi vào bàn học, con cũng nhăn nhó, khóc lóc, mẹ cũng cảm thấy buồn khổ, áp lực lắm…”.
Sau trận “đấu khẩu” giữa hai mẹ con chị H, cô con gái nhỏ nước mắt lưng tròng, còn chị nằm vật ra võng khổ sở. Nói đến chuyện này, chị H than thở: “Để con quan tâm đến chuyện học, vợ chồng tôi áp dụng rất nhiều “chiêu” như: vỗ về, khen ngợi, động viên lẫn dọa nạt, vậy mà con bé vẫn không biến chuyển là mấy.
Cũng như trường hợp chị H, chị V ở phường 1 (TP Tuy Hòa) cảm thấy vô cùng áp lực khi nói hoài mà hai đứa con không chịu vâng lời mẹ. Suốt ngày la mắng, quát nạt quanh chuyện học hành, ăn uống, vui chơi… của hai cậu con trai nhỏ 10 tuổi và 8 tuổi, chị V bảo: Tôi bực không chịu được, khi hai đứa nhỏ không hề để ý đến lời nhắc nhở của mẹ. Chỉ việc nói hai anh em tắt ti vi để đi ăn cơm mà nói mãi tụi nhỏ không hề quan tâm đến lời mẹ nói. Kể cả chuyện thuyết phục các con ăn uống cũng là một áp lực với tôi. Tôi cứ nghĩ, cả buổi hì hục nấu những thức ăn bổ dưỡng cho sức khỏe tụi nhỏ, nhưng đến bữa chúng lại không chịu ăn, dù tôi hết lời năn nỉ.
Làm sao để trở thành cha mẹ tốt?
Ông bà ngày xưa có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Bởi vậy, hiện nay không ít cha mẹ vẫn còn quan niệm muốn con nên người phải rèn con vào nếp bằng roi vọt và các hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc. Trong khi đó, nắm bắt tâm lý của con mới khiến con biết vâng lời và ngoan ngoãn làm theo, không phải lúc nào sự nghiêm khắc, chỉ trích, ra lệnh cũng có tác dụng với một đứa trẻ, đó là chưa nói đến chuyện tác dụng ngược.
Theo các chuyên gia, một trong những cách giúp trẻ trở thành người biết nghe lời là cha mẹ phải giúp con hiểu suy nghĩ, hành động, cư xử thế nào là đúng, sai thông qua những khi con chơi cùng các bạn, chơi ở nhà hay dẫn con đi nhà sách, đi siêu thị, công viên… Từ đó, cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu hành động nào là đúng, sai, nên và không nên làm. Trước những việc trẻ làm đúng, cha mẹ cần khen ngợi trẻ, khích lệ, đồng thời hạn chế tối đa việc la mắng trẻ, để tránh trẻ trở nên ương bướng, khó bảo sau này… Đặc biệt, khi trẻ còn nhỏ cần được cha mẹ thể hiện hành động thương yêu nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn để con nói ra những niềm vui, mong muốn của bản thân. Cha mẹ hãy xem con như là một người bạn nhỏ của mình.
Chị Trần Thị Thu Ngân, một người mẹ nuôi dạy con tốt ở thôn Long Phước (xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu), chia sẻ: “Đối với tôi, gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách và phát triển của trẻ. Ngay từ nhỏ, tôi cố gắng rèn luyện cho con mình những thói quen tốt. Dĩ nhiên, sự rèn luyện này lúc nào cũng đi với sự kiên nhẫn, uốn nắn con từ từ từng chút một, chứ không thể nào nóng vội được. Từ nhỏ, tôi luôn để ý dạy các con về tinh thần tự lập, tập con giúp đỡ cha mẹ từ những việc nhỏ trong nhà.
Chúng ta đều biết để trở thành những ông bố bà mẹ tốt không phải là điều dễ dàng. Không ai có thể trở thành cha mẹ tốt trong một sớm một chiều, mà cần phải học tập và nỗ lực rèn luyện. Bởi vậy, không có cách nào khác hơn việc bạn cần phải học cách lắng nghe con để gần gũi và thấu hiểu con mình nhiều hơn. Có rất nhiều ông bố bà mẹ suốt ngày ra lệnh con phải làm việc này và cấm đoán con không được làm việc kia, mà không cho con có cơ hội giãi bày những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Thêm một điều nữa là phải “dành thời gian” cho con, chơi cùng con, làm bạn với con. Nếu cha mẹ làm được điều này sẽ tăng cường liên kết cảm xúc của bạn với con thật nhiều.