Chỉ cần ba mẹ kiên nhẫn một chút, cho con được làm điều con thích trong khuôn khổ, cho con được thất bại để nuôi dưỡng trí tò mò, hứng thú.
1. Khi bạn nuôi dạy một cậu con trai
- Bạn đừng nói quá nhiều từ "không được" với cậu ấy.
- Bạn đừng chỉ cho cậu ấy cách làm ngay, hãy để cậu ấy tự làm, thất bại, rồi cậu ấy phát cáu lên sau đó chạy đến cầu cứu nhưng rồi lại tự làm, lại cáu, cứ thế vấp ngã, thất bại cho đến khi cậu ấy tự mình làm được.
Thực ra, hai nguyên tắc này đều đúng khi bạn nuôi dạy cả con trai và con gái, nhưng chỉ là với những cậu con trai, các cha mẹ cần kiên trì để đừng nói "không được" với các cậu ấy hơn mà thôi.
2. Vì sao ư?
- Con trai hiếu động, thích tò mò hơn con gái. Năng lượng học tập của con trai nằm ở sự hứng thú. Khi chúng đang có hứng thú cao độ với một trò chơi để khám phá (mà người lớn nghĩ là trò nghịch ngợm), thì những câu quát cấm đoán "Bon không được làm thế này, thế kia...", đã vô tình làm mất đi sự hứng thú, sự tò mò đang chớm nhú của trẻ, mà không biết rằng đó chính là những hạt mầm đầu tiên sẽ trở thành hứng thú học tập và nghiên cứu sau này.
- Con trai cần nhiều thất bại hơn cả con gái. Bởi vì với con trai, đặc trưng của giới này, chính là thông qua những lần tự mình được trải nghiệm và thất bại, họ sẽ lí giải mọi sự vật sự việc để từ đó tự mình mở toang cánh cửa bí mật.
Con gái có năng lực giao tiếp tốt hơn là bởi vì con gái học cách làm thông qua lắng nghe người khác. Còn con trai thích được tự mình trải nghiệm hơn là thích nghe chỉ thị của người khác ngay lập tức. Vì thế, với con trai, họ sẽ phản kháng mạnh mẽ hơn trước những áp đặt, chỉ thị của người lớn, mà chúng ta thường hay quy chụp cho "nghịch ngợm, hiếu động, khó bảo" hơn con gái.
- Giai đoạn 0-6 tuổi là thời kỳ để các bé trai tích lũy năng lượng học tập (thông qua nuôi dưỡng trí tò mò hiếu kỳ), thích tự mình khám phá mò mẫm, để rồi khi học tập ở trường hay ra ngoài xã hội đối diện với mọi vấn đề họ sẽ phát huy năng lực này cực tốt. Vì thế, tuy bề ngoài các cậu bé phát triển chậm hơn những cô bé cùng độ tuổi khi còn nhỏ, nhưng về đường dài sức bật của các cậu con trai tốt hơn nhiều, nhất là bước vào giai đoạn từ 15 tuổi trở đi.
3. Giai đoạn 2-3 tuổi
Là thời kỳ "vất vả" nhất của những bà mẹ vì khi đó đứa trẻ thể hiện sự hiếu kỳ, sự phản kháng dữ dội nhất trước những cấm đoán của người lớn để khẳng định cái tôi của bản thân, nhưng đồng thời cũng là để tích lũy năng lượng học tập sau này.
Đó là lí do vì sao mình "yêu cầu" bố Bon là đừng nói "không được" với Bon trước những trò tinh nghịch mà nếu điều đó không nguy hiểm đến tính mạng như nghịch điện, đi ngoài đường chú ý xe cộ. Thi thoảng bố Bon lại lườm mình cái tội chiều Bon, hai mẹ con cùng một ruột nên hay "dung túng, thông đồng" với những trò nghịch ngợm của cậu ấy. Còn hai mẹ con nhí nháu cười nói thầm với nhau.
Bé Bon thường được mẹ "dung túng, thông đồng" với những trò nghịch ngợm của mình.
4. Quả thật khó mà kiên nhẫn khi:
- Cả nhà đã muộn giờ đi học đi làm nhưng cậu ấy nhất định phải được mở cửa cho cả nhà.
- Khi chiều về trên tay mẹ đang nặng trĩu đồ muốn mở cửa vô cho nhanh nhưng vẫn phải kiên nhẫn cho cậu ấy đảm nhận vai trò mở khóa cửa.
- Không cáu sao được khi mà các cậu ấy cứ chạy thình thịch trong nhà gây ảnh hưởng đến hàng xóm tầng dưới, hay cầm quả bóng gỗ ném lung tung, ăn thì bốc tay chứ không chịu cầm thìa; đi tắm thì khóc lóc ầm ĩ vì còn đòi chơi ô tô đã, xem phim thì đòi xem mãi không chịu tắt đi.
- Nấu ăn cùng mẹ thì hễ thấy mẹ làm gì như nêm muối, nêm đường, bỏ rau vào nồi là cũng phải đòi "Trung cũng muốn làm" cho bằng được.
5. Làm thế nào có thể kiên nhẫn không nói "không" với trẻ
Nhưng với những gì đang trải qua với Bon, mình thấy con cái luôn cho cha mẹ biết cách ứng xử như nào nếu cha mẹ thực sự biết quan sát và nắm bắt tâm lí của cậu ấy. Với những cô cậu bé tầm 2-3 tuổi, hầu như mọi điều chúng muốn làm muốn tự mình khám phá đều là vì trẻ đang ở thời kỳ mẫn cảm với cảm giác trật tự.
Bon không phải là một cậu bé ngoan theo kiểu người lớn nói gì sẽ nghe theo ngay đâu. Cứ mẹ nói gì, hỏi làm gì là anh ý đều "không thích"- đúng kiểu lên 2-3 tuổi. Nhưng ngược lại, Bon rất hiểu chuyện, rất biết tuân theo đúng những quy tắc đã đề ra, cũng như luôn đòi hỏi, nhắc nhở ba mẹ cũng phải tuân theo đúng những quy tắc ấy.
Vì thế, thay vì nói không được một cách thẳng thừng, mình thường nói:
- Cảnh báo với con về những nguy hiểm "cái đó nguy hiểm đó, con cần chú ý", nhưng mình sẽ làm mẫu: Đó là khi con định cầm phích cắm và cắm vào ổ, là khi con cầm dao để thái, kéo để cắt.
- Nói cho con cảm xúc của người khác, đồ vật khác ra sao nếu con làm thế: Nếu con chạy huỳnh huỵch như này hàng xóm họ sẽ đau đầu lắm "ôi sao đầu tôi đau thế này. Nhà trên đang làm gì đấy. Có một con quỷ nhỏ ở nhà trên thì phải - họ đang tự hỏi như thế đấy Bon". Vì Bon rất thích được gọi và trêu là quỷ nhỏ với mẹ nên mẹ nói thế cu cậu lại cười khúc khích. Hay như đồ vật bị ném thì sẽ rất đau, mình lại giả vờ rủ Bon làm bác sĩ khám cho bệnh nhân vừa bị Bon đánh để dạy Bon hiểu cảm xúc của người khác: đau, đau khổ, buồn, tiếc nuối,... là những cảm xúc rất cần dạy trẻ tuổi lên 2.
- Thay đổi luật chơi: Khi Bon muốn nhảy từ trên bàn xuống sàn (thời kỳ mẫn cảm vận động) mà nó thình thịch nhức đầu hàng xóm tầng dưới thì mình đặt một cái đệm dưới sàn cho Bon nhảy là hết kêu. Hay khi Bon cầm quả bóng gỗ nặng ném bồm bộp xuống sàn, mình thay bằng luật chơi lăn trên sàn kiểu chơi bowling hay ném trúng đích. Khi Bon thích chạy thi trong nhà mình chơi trò thi chạy xem ai chạy nhẹ nhàng nhất, chạy bằng mũi bàn chân, hay thi rón rén để ít phát ra tiếng ầm ầm nhất...
- Cụ thể hóa các khung quy định, mẹ làm A xong là con làm B, kim đồng hồ chỉ đến số 6 là con làm A nha...:
Vì hiểu Bon đang ở thời kỳ mẫn cảm với trật tự, nghĩa là vô cùng nguyên tắc trong việc thực hiện đúng theo lời hứa hoặc theo quy luật trật tự của bản thân nên khi Bon xem phim hoạt hình, mình đều đưa ra quy định xem 15 phút thôi nhé, đồng thời cầm cái gậy chỉ vô cái đồng hồ treo tường 15 phút tính từ bây giờ thì nó sẽ đến số mấy, cứ tự động kim đồng hồ chạy đến đó là tắt ti vi, cu cậu không bao giờ khóc lóc.
Trò cầm gậy chỉ vô số trên đồng hồ này anh chàng khoái bắt chước lắm, nhiều lần cũng đòi mẹ bế lên chỉ vô số trên đồng hồ rồi đưa ra quy tắc. Con chơi ô tô xong đến số 3 con sẽ đi tắm nhé. Con chơi ô tô xong đến số 6 con sẽ đi ngủ nhé...Thế nên, dùng phương pháp này, mình sẽ dụ được Bon dừng việc đang làm để đi làm việc tiếp theo theo đúng lời hứa bên cạnh quy định mẹ làm xong A thì con làm B nhé.
- Con chọn A hay B: để cho con lựa chọn. Đây là phương pháp rất hay để dạy con tính tự chủ, tự quyết, tự suy nghĩ. (Tất nhiên thi thoảng nó sẽ bảo con chả chọn A, cũng không thích B nha)
- Và điều quan trọng nhất là ba mẹ phải tuyệt đối tuân thủ theo và không được thỏa hiệp. Nếu đã là bữa cơm không được nghịch điện thoại thì 1 chút cũng không sờ, đã nói bữa nay chỉ ăn 1 cái bánh là chỉ 1, trẻ có thỏa hiệp đòi 2 cũng nhất quyết không...
Chính vì kiên trì nên bây giờ Bon không còn kiểu ăn vạ khi không được mua cho cái gì, hoặc ăn vạ nhưng chỉ 1-2 phút là nín rồi năn nỉ mẹ "Con rất muốn cái A, con buồn lắm, bố mẹ không cho con xem con đau khổ lắm" bla bla...(nhiều khi nghe từ con đau khổ lắm của cu cậu mà phì cười).
- Để Bon biết giữ lời hứa, biết đưa ra các quy định trên bàn ăn như bữa ăn không chạy lăng xăng, khi đang nhai không được nói, ho phải lấy tay che miệng, bữa ăn không coi ti vi...là cả một quá trình dài 1 năm nhưng từng chút một từng chút một mình kiên trì và nhất quán với con. Mọi điều mình chia sẻ không phải hiệu quả 100%, vì con trẻ mà đôi khi chúng vẫn còn tùy hứng lắm, nhưng mỗi khi con làm được một điều gì đó, con cố gắng mình lại khen ngợi "A, hôm nay con cố gắng lắm", "Ôi mẹ vui quá, cảm ơn con"...để nuôi dưỡng sự cố gắng mỗi ngày cho con.
6. Hãy nuôi dưỡng những em bé biết cãi nhưng cần tuân theo nguyên tắc
Nếu bé nhà bạn là đứa trẻ giống Bon, thích cãi, không chịu nghe lời, luôn chân luôn tay cả ngày thì hãy cảm ơn về điều đó, rằng bạn đang nuôi dạy con đúng hướng để con được phát huy cá tính của riêng mình.
Mình không muốn Bon trở thành đứa trẻ vâng lời răm rắp, cũng không muốn cấm đoán để làm mất đi hứng thú và sự tò mò của con, nhất là với một cậu con trai điều ấy lại cực kỳ cần thiết.
Nhưng chỉ cần ba mẹ thay đổi cách làm một chút là con sẽ học được cách kiềm chế cảm xúc, thích ứng và tuân theo những gì thuộc về quy tắc và quy định. Chỉ cần ba mẹ kiên nhẫn một chút cho con được làm điều con thích trong khuôn khổ, cho con được thất bại để nuôi dưỡng trí tò mò, hứng thú.
Với những quan sát thực tế của mình, mình nhận thấy với những bé trai càng bị quát tháo cấm đoán, chúng càng khó bảo vì đơn giản đó là bản năng của phái mạnh. Nhưng nếu ba mẹ biết đưa ra các quy tắc thì chúng lại là những cậu bé rất hiểu chuyện.
Theo PNO