Bồi dưỡng cho trẻ cách phân loại: Sử dụng ngay các đồ vật thường dùng hàng ngày trong nhà, căn cứ vào những điểm giống nhau như màu sắc, hình dáng, công dụng… cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ quy các đồ vật về cùng loại. Điều này khiến trẻ phải tập quan sát tỉ mỉ, qua đó tăng khả năng quan sát, nhận xét cho trẻ.
Giúp trẻ nhận biết tập hợp lớn và tập hợp nhỏ: Trước hết cần cho trẻ biết một số tên gọi tập hợp như đồ dùng gia đình, động vật, thực phẩm… để trẻ hiểu rằng mỗi một tập hợp đều có nhiều bộ phận hợp thành. Ngoài ra còn cần cho trẻ biết tập hợp lớn bao gồm nhiều tập hợp nhỏ và nhiều tập hợp nhỏ hợp thành một tập hợp lớn.
Làm cho trẻ hiểu rõ khái niệm về thứ tự: Điều này sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng đọc sách. Đây cũng là phương pháp chính bồi dưỡng cho trẻ tư duy lôgic. Các thứ tự có thể tiến hành từ to tới nhỏ nhất, từ cứng nhất tới mềm nhất, từ ngọt tới nhạt… và có thể ngược lại.
Hình thành khái niệm về thời gian cho trẻ: Khái niệm về thời gian của trẻ rất mơ hồ vì vậy cha mẹ cần giúp trẻ nắm vững một số từ biểu thị thời gian, hiểu ý nghĩa của chúng. Đây là một việc làm rất cần thiết đối với trẻ.
Bồi dưỡng cho trẻ hiểu khái niệm về con số: Với trẻ trước tuổi đi học cần cụ thể hóa con số. Trong cuộc sống hàng ngày trẻ cần biết dùng con số thể hiện khái niệm của mình. Cha mẹ cần dạy trẻ nói chính xác về con số đồng thời chú ý cho trẻ biết sử dụng chữ “trước hết”, “sau đó” và “thứ ba” cùng các số thứ tự khác.
Giúp trẻ nhận biết một số khái niệm về không gian: Người lớn thường nghĩ trẻ bẩm sinh đã biết khái niệm trên dưới, trái phải, trong ngoài, trước sau cùng các khái niệm không gian khác. Thực tế không như vậy, do đó cũng cần dạy cho trẻ các khái niệm này.
Cha mẹ nếu giáo dục con cách tư duy lôgic theo 6 phương diện nói trên sẽ giúp trẻ có được sơ bộ những suy nghĩ lôgic tối thiểu tạo điều kiện để trẻ tiếp thu kiến thức học tập sau này.