Nhiều mẹ Việt vô tình vấp phải các lỗi cơ bản khi dạy trẻ: Thay vì khuyến khích lại trách mắng, thay vì động viên lại luôn phủ nhận những thành quả trẻ đạt được...
Các sai lầm mẹ Việt thường mắc phải
Các chuyên gia tâm lý thống kê những lỗi thường gặp trong cách dạy con của mẹ Việt, dễ khiến trẻ mất tự tin, bao gồm:
● Tiết kiệm cả chuyện... khen con: Ở Việt Nam rất phổ biến việc tiết kiệm các lời khen, đặc biệt khi con còn bé. Mọi lời khen (hoặc công nhận nỗ lực của bé) như bé ăn giỏi, vẽ đẹp, đàn hay, bé đạt thành tích tốt, bé lanh lợi... luôn được kèm từ "trộm vía", hoặc nói tránh đi, vì sợ con không được như thế nữa.
● Khi bé vấp ngã, mẹ thường xuyên... đổ thừa cho cái ghế, cái bàn, nền nhà "làm con đau". Lâu dần, điều này khiến bé hình thành suy nghĩ: Mọi sai lầm không phải do lỗi của bản thân, mà tại người khác hoặc vật thể khác.
● Khi con làm hỏng một thứ bất kỳ, phản ứng của mẹ Việt thường là quát mắng, bằng những câu như: "Con đoảng quá!", "Có thế cũng làm hỏng". Trong khi đó, điều quan trọng là giúp trẻ rút kinh nghiệm từ sai sót thì lại rất ít mẹ cho trẻ biết.
● Với ý nghĩ "con còn nhỏ biết gì!", mẹ Việt thường tự quyết định thay vì cho trẻ chọn lựa các điều tốt để làm. Nhiều mẹ chọn quần áo cho con, chọn môn năng khiếu để yêu cầu con học. Điều này dần khiến trẻ không thể tự quyết định mà không có cha mẹ ở bên.
● Mẹ Việt còn chú trọng quá nhiều đến kết quả cuối cùng (ví dụ điểm số, thứ hạng trong lớp, giải thưởng...) mà quên khuyến khích, động viên sự nỗ lực của con trong quá trình ấy.
Khen thưởng những nỗ lực của con bạn sẽ nhận được kết quả bất ngờ
Trên thực tế, hay đổ lỗi, la mắng, chê bai, thiếu khuyến khích kéo dài sẽ khiến trẻ ngày càng nhút nhát, sợ sai, lâu dần làm mất đi năng khiếu tiềm ẩn của trẻ. Theo chuyên gia giáo dục sớm - Giáo sư Hirakv (một tác giả có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới), sự khuyến khích, động viên luôn mang đến hiệu quả rõ nét và tích cực hơn hẳn tạo áp lực, la mắng hay phàn nàn trẻ.
Việc đón nhận và khen thưởng những nỗ lực của trẻ sẽ giúp trẻ có thêm động lực để hoàn thiện bản thân mình. Mẹ nên ghi nhận những cố gắng cuả trẻ trong từng hoàn cảnh cụ thể từ đó khuyến khích sự nỗ lực của trẻ. Ví dụ thay vì khen chung chung "Con giỏi quá", hãy cụ thể: "Tối qua ai cũng mệt mỏi, thế mà sáng nay con vẫn tập thể dục chăm chỉ 30 phút", "Bức tranh này, con chọn màu sắc bầu trời rất ấn tượng" hoặc "Con vẽ cái lá cây đã giống hơn trước, đúng không?"...
Thay vì kì vọng quá nhiều vào những kết quả mà quên đi quá trình cố gắng cuả trẻ, mẹ hãy xem xét các yếu tố khác: ví dụ, trẻ chưa ném bóng vào rổ trong buổi học bóng rổ, nhưng đã tập luyện say mê suốt 30 phút và khi ba mẹ ghi nhận điều này, chắc chắn lần sau bé sẽ tiếp tục luyện tập. Có thể trẻ chưa dọn sạch đồ chơi, nhưng trẻ đã chủ động chia sẻ việc nhà cùng mẹ.
Việc cha mẹ đón nhận một cách thiện chí và khen thưởng cho những nỗ lực của trẻ sẽ giúp con thêm tự tin vào bản thân mình, sẵn sàng để làm những điều tốt đẹp!