Người ta thường nói đến bệnh loét dạ dày ở người lớn, tuy nhiên trẻ em cũng bị bệnh này. Loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em có triệu chứng không giống như người lớn, vì vậy dễ bị chẩn đoán và điều trị nhầm. Có đến 50% trường hợp đến bệnh viện vì biến chứng của loét.
Những triệu chứng lâm sàng của loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em như thế nào?
Đau bụng vùng trên rốn: Đau thất thường, không theo chu kỳ mùa và ngày (mùa tức là đau nhiều về mùa rét, ngày tức là lúc đói đau nhiều hơn lúc no). Đau ban đêm, sau khi ngủ một lúc, chừng 12 giờ đêm đến 1 giờ sáng, cơn đau xuất hiện làm mất ngủ, đau trước khi ăn hoặc sau khi ăn. Trẻ xanh xao, thiếu máu, giảm cân. Ở trẻ em không rõ ràng như người lớn, trẻ em ít khi đau âm ỉ, chịu đựng được, mà thường đau dữ dội, lăn lộn như giun lên ống mật. Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị như giun chui ống mật hoặc đau bụng do giun.
Ợ hơi, ợ chua gặp ở người lớn, tuy không đặc hiệu cho bệnh nhân loét nhưng ít gặp ở trẻ em và cũng khó khai thác dấu hiệu này. Vì cho là không hoặc ít gặp, các dấu hiệu lâm sàng lại mơ hồ cho nên trẻ được đưa đến bệnh viện muộn, khi có biến chứng như chảy máu, hẹp và thủng dạ dày.
Làm thế nào để biết chắc chắn trẻ bị loét dạ dày?
Trẻ cần được khám chuyên khoa để điều trị sớm, đúng quy cách và kiên trì.
Bác sĩ dựa trên phim chụp dạ dày và nội soi dạ dày – tá tràng. Tuy chụp phim có giá trị rất lớn nhưng cũng khó đọc, không điển hình như ở người lớn, chỉ thấy tá tràng rúm ró không có dạng củ hành như bình thường. 1/3 trường hợp có hình ảnh loét trên phim Xquang, khi soi lại không có tổn thương. Do vậy, sau khi chụp phim việc soi dạ dày là cần thiết và bắt buộc để không còn nghi ngờ trong chẩn đoán.
Những điều lưu ý trong điều trị
Chế độ ăn uống ở trẻ bị bệnh dạ dày rất quan trọng, phải chia làm nhiều bữa (4-5 bữa 1 ngày), chú ý chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng. Tuy vậy, chiều cao và cân nặng của trẻ bị bệnh dạ dày - tá tràng cũng rất ít khi đạt như một trẻ bình thường.
Nếu phát hiện sớm, điều trị ngay, 80% số loét khỏi hẳn. Nhưng nếu muộn tỷ lệ này giảm còn khoảng 50%.
Khi cần mổ, phải cắt 2/3 thể tích dạ dày. Sau mổ, chỉ còn 1/3 dạ dày, tức là dạ dày sẽ rất nhỏ. Sau đó sẽ giãn dần ra và cuối cùng cũng gần bằng dạ dày khi chưa cắt.
Sau mổ một số ít bị tái phát và biến chứng. Nếu đau bụng tương tự hoặc đau hơn trước khi mổ, cần tới nơi đã điều trị cho trẻ để kiểm tra lại xem có loét ở nơi mới hay không.
Loét dạ dày – tá tràng là một bệnh lành tính. Nguyên nhân sinh bệnh còn chưa khẳng định nhưng điều kiện thuận lợi là bệnh có tính chất gia đình, trẻ bị chấn thương về tinh thần (bố mẹ đánh đập, ruồng bỏ, lo lắng trong học hành). Khi loét lượng acid trong dạ dày tăng cao. Gần đây người ta còn tìm thấy loét do vi trùng. Nó đã được khẳng định ở người lớn và trẻ em. Điều trị bằng thuốc hay mổ cũng nhằm vào hạ độ acid, chống vi trùng để hết loét và chữa bệnh.
Triệu chứng không điển hình, hình ảnh phim khó khẳng định, cả gia đình và thầy thuốc ít nhạy bén nghĩ đến bệnh, trẻ điều trị muộn là điều tất yếu. Một trẻ, nhất là trẻ trai, đau kéo dài trên 2 tháng vùng trên rốn, cần đưa trẻ tới khám để chụp, soi dạ dày, mới hy vọng điều trị tốt được.
Loét dạ dày ở trẻ em có các biến chứng gì?
50% số trẻ bị loét đến bệnh viện vì các biến chứng:
Chảy máu: Khi loét sâu vào lớp cơ của ruột hoặc hết cả lớp thành ruột, thủng vào các mạch máu, gây ra chảy máu. Nôn ra máu cục lẫn thức ăn, hoặc chảy vào trong lòng ruột: đại tiện ra phân đen.
Hẹp môn vị: Tức là hẹp phần cuối của dạ dày. Loét xơ chai làm rúm đoạn đầu của ruột non (tá tràng) làm hẹp gần hoàn toàn hoặc hoàn toàn trong ruột.
Trẻ ăn vào, thức ăn ứ đọng lại ở dạ dày nhuyễn ra, lên men... rồi nôn ra thức ăn có mùi chua, lợn cợn, nổi bọt. Trước khi nôn, trẻ đau bụng nổi cuộn ở trên rốn, sau khi nôn xong trẻ dễ chịu hẳn, có khi khó nôn, phải kích thích miệng, họng để nôn ra. Tiếp đó là tình trạng da nhăn nheo, mắt trũng, đại, tiểu tiện ít do mất nước và coi như không được ăn uống gì.
Thủng dạ dày: Nếu ổ loét làm thủng thành ruột sẽ gây tràn hơi, dịch có trong dạ dày vào ổ bụng. Trẻ đau đột ngột, vật vã. Đau không dám thở. Bụng cứng như sờ vào tấm gỗ, hoặc miếng các-tông.
Dù là loại biến chứng nào cũng phải đưa tới bệnh viện ngay để cứu chữa kịp thời. Nếu muộn sẽ đe dọa tính mạng của trẻ. Hẹp môn vị và thủng dạ dày bắt buộc phải điều trị bằng phẫu thuật, chảy máu là ranh giới giữa điều trị nội khoa và ngoại khoa.