Từ khi lên đại học, con dần quên thói quen khoanh tay thưa ba má mỗi khi đi đâu về. Má cũng không thắc mắc gì về điều này, nghĩ con đã lớn, là tuổi trẻ thế hệ mới nên khác. Con thường chào gọn bằng cách gọi một tiếng "má" khi thấy má ra mở cổng. Cũng có lúc con chẳng nói gì, khiến má phải chào ngược lại, hỏi con đi học mới về đó à.
Mấy tuần trước ông ngoại lên thành phố chữa bệnh. Ông ở cùng gia đình mình một thời gian để tiện sang bệnh viện tái khám định kỳ. Biết ở quê rộng thoáng đã quen nên má thu xếp dành căn phòng rộng nhất trên lầu để ông không cảm thấy tù túng. Ông vẫn thường đứng ở cửa sổ nhìn ngắm khoảng vườn nhỏ trước nhà. Chiều hôm qua, ông bất ngờ hỏi tại sao mỗi ngày đi học về con không chào má.
Con gái cúi đầu ú ớ. Má nói chữa cho con rằng chắc tại lần này con quên chứ mọi ngày con vẫn chào hỏi. Ông bảo ngay rằng đã để ý cả tuần rồi, định không nói nhưng khó chịu quá nên phải nhắc nhở. Rồi ông thêm, vì không được răn dạy nên con thấy việc chào ba má không quan trọng.
Thói quen không hay của chúng ta là ý tứ với người ngoài nhưng dễ dãi, xuề xòa với người trong nhà. Con cái lớn lên, vòng tay ba má nới lỏng, các thói quen tốt đẹp thuở ấu thơ cũng dần dần mất theo. Việc chào hỏi cha mẹ, người thân trong nhà không phải chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ.
Dù tóc điểm bạc và con gái đã qua tuổi hai mươi nhưng má vẫn khoanh tay cúi đầu chào ông bà ngoại mỗi khi về thăm nhà. "Thưa ba, con mới về", câu chào thuộc nằm lòng từ thuở mới ê a tập nói đến bây giờ vẫn không thay đổi. Ông ngoại một đời là thầy giáo, chú trọng lễ nghĩa. Mười đứa con của ông bà đều răm rắp giữ nếp nhà. Mọi thứ trở thành thói quen nên diễn ra thật tự nhiên.
Má cảm thấy hối tiếc khi vô tình để mai một nhiều điều ý nghĩa đã học được từ ông bà ngoại. Tại má thương con, xuề xòa cho qua chuyện. Chính vì thương con không đúng cách nên hai má con ngày càng cách xa. Có chuyện vui buồn con giữ riêng, không bao giờ chịu hé miệng, kể cả khi má gặng hỏi. Ở nhà, con luôn nhốt mình trong phòng riêng, có khi còn khóa cửa.
Khi ông ngoại nhắc nhở, con lí nhí bảo tuy rất thương má nhưng chào hỏi mỗi ngày như thế thấy hơi thừa, ngượng quá. Thương yêu đó, con để trong lòng, thỉnh thoảng thể hiện bằng việc mua tặng má thức ngon vật lạ. Ông ôn tồn giải thích: "Làm gì có khái niệm dư thừa trong chuyện này. Lẽ nào hai má con bây đến cả việc thể hiện lòng yêu thương và sự quan tâm đến nhau mà cũng keo kiệt và tính toán nhiều như vậy?". Cả hai má con đuối lý, chỉ biết ngồi im.
Sáng nay tiễn ông ngoại ra bến xe, má thầm cảm ơn ông đã nhắc nhở một việc tuy đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa. Làm cho những thói quen đã mất sống lại một cách tự nhiên thật không dễ. Má cũng hơi mắc cỡ khi thấy con ngượng ngùng: "Thưa má, con đi học mới về". Mắc cỡ nhưng vui trong lòng, cảm giác như được sống lại những ngày của nhiều năm về trước, cảm giác nhà mình là một gian nhỏ gắn liền bên cạnh đại gia đình của ông bà ngoại. Một lời chào, một cái ôm khi đã trở thành thói quen sẽ là chìa khóa mở ra những cánh cửa gắn kết yêu thương khác, phải không con?