Rất nhiều bà mẹ đã đau đầu suy nghĩ phương pháp dạy con để lớn lên trẻ có nhiều thói quen tốt, có tính cách độc lập. Tuy nhiên, chỉ cần mẹ "lười" trong 5 trường hợp sau đây, mọi chuyện sẽ trở nên thật dễ dàng.
Phụ nữ bắt đầu từ khi mang thai đã mang trong mình nhiều nỗi lo, nỗi khổ. Có con rồi ngày ngày chỉ túc trực bên con, lo chăm sóc chồng con, lo cả việc nhà, giặt giũ cơm nước. Điều đó dường như đã trở thành bản năng của một người làm mẹ.
Tuy nhiên, các mẹ nên hiểu một điều, không phải mình càng chăm chỉ làm việc thì con mình sẽ càng phát triển thuận lợi mà trong một số trường hợp, chúng ta càng "lười" thì càng tốt cho con.
1. Cho con ăn
Cho con ăn là việc vất vả nhất đối với hầu hết các bà mẹ. Chúng ta thường thấy hình ảnh phụ huynh cứ phải bưng bát cơm (cháo) đuổi theo phía sau để chực bón cho con. Kỳ thực, đây hoàn toàn là việc làm không đúng vì như vậy sẽ dễ tạo cho con thói quen chạy lung tung khi ăn cơm mà mẹ cũng cũng mệt lả đến nỗi chẳng buồn ăn nữa.
Vì vậy, bạn nên để con tự ăn cơm. Nếu con no rồi thì dù bạn có chạy theo ép con ăn cũng vô ích. Còn nếu đói, tất nhiên con sẽ tự giác ăn mà không cần mẹ bón.
Nếu không thực hiện được việc này, cùng lắm là bạn để con nhịn một bữa giống các mẹ nước ngoài hay làm không thì cho phép con ăn muộn một chút cũng không sao. Điều quan trọng là mẹ nên hạn chế tối đa việc cho con ăn quà vặt trước bữa cơm.
2. Ru con ngủ
Trẻ con thật sự rất nhạy cảm. Nhiều đứa trẻ được mẹ dỗ bé ngủ xong nhưng không tài nào đặt nằm xuống được, chỉ cần đặt xuống giường một cái là khóc nhè ngay nên mẹ cứ phải bế trên tay. Như vậy thật vất vả cho mẹ biết bao! Vì vậy các vị phụ huynh tuyệt đối không bế con ngủ.
Nếu các mẹ không muốn cả lúc ngủ vẫn phải "dính chặt" vào con, không muốn con dần bị dị tật cột sống, không muốn con hay bị phạt khi đi học mẫu giáo thì nhất định phải rèn cho con thói quen tự giác ngủ.
3. Bế hoặc đẩy xe cho con quá nhiều
Trẻ con thường thích được bế hoặc ngồi trên xe đẩy đi dạo nhưng các mẹ lưu ý không được chiều theo sở thích này của con. Khi các con được mẹ bế hoặc đẩy xe trong một thời gian dài sẽ hình thành thói quen ỷ lại vào mẹ. Từ bé đã có ý thức ỷ lại, lười hoạt động như vậy thì sau này bé làm sao thích thú với các hoạt động thể dục thể thao được?
Chỉ cần khi con biết đi hoặc không phải đi bộ đường dài, chúng ta đều nên để con tự bước trên đôi chân của mình, đừng lo chúng mệt. Con đường phía trước còn rất dài, liệu bạn định cứ đẩy con đi đến bao giờ?
4. Thu dọn đồ chơi cho con
Trẻ con thường hay bày đồ chơi ra khắp nhà, mẹ không nên giúp con thu dọn đống hỗn loạn đó vì sự thực là bạn dọn xong chúng lại bày bừa ra thôi. Tốt nhất là nên để con học cách tự thu dọn, sắp xếp đồ đạc của mình, chơi hết món này lại dọn đi rồi mới bày món khác ra chơi và phải thu dọn đồ chơi gọn gàng xong mới được đi ngủ. Việc này dần dần sẽ hình thành thói quen có lợi lâu dài cho con chứ không đơn thuần chỉ là giảm gánh nặng công việc cho mẹ.
5. Giải quyết mâu thuẫn
Có lúc trẻ cãi nhau với bạn là điều rất bình thường, các con có thể tự mình giải quyết được mà không cần bố mẹ can thiệp.
Con hôm qua cãi nhau với bạn cùng lớp, hôm nay lại đánh nhau với bạn hàng xóm. Không được, con mình kiểu gì cũng bị bắt nạt, chịu ấm ức, mình phải đi đòi lại công bằng cho con. Hoặc là, tại con mình nghịch ngợm mới thế này, mình phải thay mặt con đi xin lỗi mới được. Các mẹ thường có suy nghĩ như trên mà không nhận ra rằng đây là chuyện nhỏ của riêng bọn trẻ, chúng có thể tự mình trực tiếp xử lý.
Trong thế giới riêng của con, mọi việc đều rất đơn giản. Những đứa trẻ có cách biểu đạt và giao tiếp riêng của chúng. Trong quá trình giao lưu con có thể tự học hỏi thêm ở các bạn đồng trang lứa, khiến con dần dần trở thành đứa trẻ tự làm chủ được hành vi giao tiếp của mình.Trong khi mẹ đang trằn trọc không biết xử lý thế nào khi con gây gổ với bạn thì con sớm đã quên hết những mâu thuẫn của ngày hôm nay rồi.
Thế giới của con trẻ không hề phức tạp như chúng ta, dùng cách riêng của mình để dạy con, dùng lời nói để giải quyết vấn đề, để con biết cách tự mình xử lý, rèn luyện ý thức độc lập và khả năng giao tiếp xã hội.
Vì vậy, nếu muốn cung cấp các kỹ năng cơ bản để con tự lập trong cuộc sống của mình, các bậc phụ huynh không nên thay con làm những việc trên.