Có lẽ ngay từ lúc đứa trẻ cất tiếng khóc tiếng khóc chào đời thì chặng hành trình kì thú mang tên "nuôi dạy con cái thành người" cũng chính thức khởi động với các bậc cha mẹ. Đó là một hành trình dài với vô vàn những trải nghiệm đáng nhớ mà đích đến mong muốn sẽ phải là sự trưởng thành toàn diện của con trẻ.
Bậc phụ huynh nào cũng muốn nhìn con cái mình thành công và nên người nhưng muốn hái được "quả ngọt" đó thì sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục đúng đắn. Và để giúp đỡ các bậc cha mẹ còn đang mơ hồ trong việc dạy con sao cho đúng, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chỉ ra 5 điều mà người lớn nên làm mỗi ngày để thấy được sự khác biệt:
Điều 1: Theo sát và đôn đốc cho sự phát triển của con
Sẽ có đôi lúc các ông bố, bà mẹ cảm thấy mình thật kiệt sức và tự nghĩ rằng những lời dạy bảo con cái của mình chẳng khác gì như "nước đổ lá môn". Thế nhưng, các nhà nghiên cứu ở Anh đã phát hiện ra rằng các phụ huynh hay đặt nhiều kì vọng cao dành cho con cái thì chúng sẽ có khả năng thành công và tránh được những cạm bẫy.
Đặc biệt, một nghiên cứu trên 15.000 bé gái ở Anh trong hơn 10 năm, từ độ tuổi 13-14 đến 23-24 đã cho thấy rằng những đứa trẻ có bố mẹ thường bày tỏ niềm kỳ vọng cao sẽ:
- Có nhiều khả năng học đại học
- Có ít khả năng có thai khi ở tuổi vị thành niên hơn
- Có ít khả năng thất nghiệp trong dài hạn hơn
- Có ít khả năng phải quay cuồng trong những công việc với mức lương thấp và sự bế tắc.
Có thể khi cha mẹ nói ra những kỳ vọng cao với con, con không nghe hết toàn bộ hay không để tâm lắng nghe. Nhưng đến cùng thì chúng cũng phần nào lắng nghe những điều đấy.
Điều 2: Cho con trẻ ra ngoài chơi nhiều hơn
Nếu đó là một ngày thời tiết đẹp, các bậc cha mẹ hãy dành thời gian tận hưởng không khí ngoài trời cùng con trẻ. Hãy nghĩ xem, nếu phụ huynh là dân văn phòng hẳn sẽ biết được tác hại của việc ngồi cả ngày trước màn hình máy vi tính. Và cũng chẳng khác cha mẹ là bao khi nhìn lại chúng ta đang bắt con mình làm gì trong suốt 6,7 tiếng mỗi ngày? Chính là ngồi một chỗ và học.
Vì thế, các nhà khoa học dành lời khuyên cho các bậc cha mẹ rằng hãy nên khuyến khích trẻ ra ngoài chơi càng nhiều càng tốt. Các nhà nghiên cứu ở châu Âu đã theo dõi mức độ hoạt động ngoài trời hàng ngày của 153 bé trai tuổi từ 6-8 tuổi và đi đến kết luận rằng: Thời gian trẻ ngồi càng nhiều, ít dành thời gian cho hoạt động thể chất nhường nào thì càng kém tiến bộ trong việc đọc trong vòng 2 năm sau đó. Nó cũng gây ra tác động tiêu cực lên khả năng tính toán của trẻ.
Điều 3: Đọc sách cùng con đúng cách
Đây là một điều rất quan trọng, đặc biệt là với con trẻ. Cha mẹ của những đứa trẻ xuất sắc là người hay đọc sách cùng con từ lúc con còn nhỏ. Và các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý rằng mình đang đọc sách đúng cách hay sai cách. Sai cách tức là bạn chỉ đơn thuần đọc cho con trẻ nghe. Còn cách đúng, hiệu quả là đọc có tương tác cùng con thông qua việc để con đọc một phần cuốn sách và thử hình dung điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Điều 4: Hãy để con làm việc nhà
Đây là lời khuyên từ giảng viên Julie Lythcott-Haims đến từ đại học Stanford (Mĩ), đồng thời cũng là tác giả quyển How to Raise an Adult (Cách nuôi dạy con thành người) – một cuốn sách bán chạy theo tờ New York Times. Vị giảng viên này đã trích dẫn trong Đại nghiên cứu của đại học Harvard rằng con người cần hai điều để thành công trong cuộc sống: thứ nhất là tình yêu thương và thứ hai là tinh thần lao động.
Vậy làm thế nào để phát triển tinh thần lao động cho trẻ ngay từ nhỏ? Đó chỉ cần xuất phát từ công việc như: rửa bát, lau nhà, đổ rác, dắt chó đi dạo, dọn phòng,... - những việc mà cha mẹ thường phải càm ràm, nhắc nhở con cái mỗi ngày (như ở điều số 1). Bằng việc để con trẻ làm việc nhà, chúng sẽ nhận ra rằng con cần phải làm việc để mình trở thành một phần của cuộc sống.
Điều 5: Khen con đúng cách
Có hai cách chủ yếu để cha mẹ ngợi khen con cái. Cách thứ nhất là khen vì năng lực bẩm sinh của con. Cách thứ 2 là khen vì nỗ lực của con. Giáo sư tâm lý học từ ĐH Stanford (Mĩ) dành lời khuyên cho các bậc cha mẹ rằng khi khen con, hãy khen ngợi nỗ lực thay vì khả năng sẵn có của chúng.
Nghiên cứu của giáo sư Carol Dweck liên quan đến sự khác biệt giữa tư duy cầu tiến và tư duy bảo thủ. Chúng ta có thể thấy ở đây, nếu khen con vì khả năng thiên bẩm, có nghĩa bạn đang khen con vì một thứ mà con chẳng cần phải làm gì để đạt được, và cũng không thể làm gì để cải thiện hơn. Trong khi nếu bạn khen con vì nỗ lực, tức là bạn đang cổ vũ chúng phát triển yếu tố đó để thành công trong cuộc sống. Ảnh hưởng của những lời khen này có thể tác động đến trẻ trong độ tuổi từ 1-3.