“Nắn” hành vi của trẻ bằng bữa ăn hàng ngày
Bạn muốn giúp ổn định tâm trạng và cải thiện mức tập trung của các con? Những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống có thể là lời giải đáp.
Dấu hiệu kinh điển của chứng tăng động (ADHD) bao gồm mất ngủ, thiếu tập trung, tính khí thất thường và thường xuyên nghịch phá. Nếu trẻ thường xuyên có những biểu hiện như trên, phụ huynh cần trò chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý nhằm đánh giá tình hình và nhận thêm lời tư vấn, đừng tự chẩn đoán.
Dù con bạn bị rối loạn hành vi hoặc chỉ đang trải qua một giai đoạn khó khăn thì việc điều chỉnh chế độ ăn uống là điểm khởi đầu vô cùng hiệu quả trong việc kiểm soát trạng thái của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy thực phẩm có tác dụng thay đổi về tổng thể tâm trạng cùng hành vi ở trẻ em.
Bữa ăn sáng
Cha mẹ nên khuyến khích bé ăn sáng vì bất kỳ bữa ăn sáng nào cũng tốt hơn là mang chiếc bụng rỗng; và các loại thực phẩm với chỉ số làm tăng đường huyết (GI) thấp luôn là lựa chọn tối ưu. Bạn có thể chọn một trong những thực đơn sau: một quả trứng luộc với bánh mì ngũ cốc nguyên hạt; đậu rang rắc lên bánh muffin ngũ cốc; cháo thịt băm, trái cây và sữa chua; ngũ cốc với sữa và chuối thái lát.
Ảnh minh họa.
Thực phẩm với chỉ số GI thấp
Thực phẩm với chỉ số đường huyết thấp giúp giữ lượng đường trong máu ổn định và hỗ trợ cơ thể chuyển hóa chất béo hiệu quả. Dùng ngũ cốc nhiều chất xơ với trị số GI thấp giúp ổn định tâm trạng, kéo giảm một số hành vi tiêu cực, cũng như có lợi cho sức khỏe tổng thể và bảo vệ răng. Ví dụ, bạn nên sử dụng các loại bột ngũ cốc nguyên hạt hoặc yến mạch và cắt giảm lượng đường dùng khi nấu nướng, thay thế bánh ngọt tráng miệng bằng trái cây.
Phụ gia thực phẩm
Mặc dù nhiều phụ gia tổng hợp bị cấm, nhưng một lượng lớn có liên quan đến hen suyễn, dị ứng, đau nửa đầu và hiếu động thái quá ở trẻ em vẫn được sử dụng tràn lan. Chúng bao gồm: tartrazine (E102), màu vàng quinoline (E104), màu vàng hoàng hôn (E110), carmosine (E122), ponceau 4R (E124), màu đỏ allura (E129), sodium benzoate (E211)... Nghiên cứu cho thấy những trẻ tuân theo chế độ ăn uống không chất phụ gia thường cư xử hòa nhã, có sức khỏe và độ tập trung tốt hơn.
Chứng tăng động và salicylat
Trong một số ít trường hợp, trẻ mắc ADHD phản ứng lại nhóm chất salicylat tự nhiên. Nếu chuyên gia y tế xác định đây là vấn đề, phụ huynh nên chú ý giảm các loại thực phẩm giàu salicylate như táo, cam, quýt, nho, anh đào, việt quất, đào, mơ, mận, nho khô, hạnh nhân, cà chua, dưa chuột và ớt khỏi chế độ ăn uống của con trong vài tuần để xem liệu có cải thiện được gì không. Vì danh sách trên chứa nhiều thực phẩm lành mạnh, nên bạn chỉ cần cố gắng giảm số lượng và theo dõi sự thay đổi ở trẻ.
Tầm quan trọng của chất béo omega-3
Dầu cá chứa nhiều axít béo omega-3 vốn ảnh hưởng tích cực đến các tín hiệu dẫn truyền qua lại giữa não và các bộ phận của cơ thể. Axít eicosapentaenoic (EPA) là một trong hai loại chính của dầu cá được khoa học chứng minh giúp ổn định tâm trạng và cải thiện sự tập trung, hành vi cũng như khả năng học tập của trẻ bị ADHD.
Nếu bé không thích ăn cá, bạn có thể xem xét dùng thuốc bổ sung hoặc thay thế bằng những nguồn cung cấp khác. Một số nguồn cung tốt nhất về omega-3 gồm: cá có dầu như cá thu, cá hồi và cá xương nhỏ, cá thịt trắng và những loại hải sản khác; trứng gà giàu omega-3; quả óc chó và hạt lanh.
Thiếu hụt sắt và kẽm
Thiếu hụt sắt và kẽm có liên quan đến vấn đề hành vi ở trẻ em. Trong hai năm đầu đời là thời kỳ phát triển não nhanh chóng, việc thiếu sắt có thể dẫn đến những vấn đề lâu dài về sự chú ý hay tâm trạng. Nguồn cung cấp sắt và kẽm bao gồm: gạo ngũ cốc kết hợp trái cây xay nhuyễn (từ sáu tháng tuổi trở đi), ngũ cốc ăn sáng tăng cường chất sắt, mì Ý, đậu phộng rang, đậu nành và hạt lanh, rau xanh, rong biển, đậu Hà Lan hay rau bina, sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua (nguồn cung cấp kẽm)