Người lớn hãy giúp trẻ em có cuộc sống thật nhiều màu sắc, nhiều trải nghiệm và đầy ắp yêu thương.
Ảnh mang tính minh họa
Tôi nhớ hồi cấp I, thầy cô hay cho bài tập vẽ về nhà, học trò thỏa sức vẽ vời trước những đề bài thú vị. Một ngôi nhà mái lá, lấp ló phía sau là ông mặt trời với khuôn mặt biểu cảm dễ thương. Một cánh đồng lúa chín vàng, vài đứa trẻ tay chân leo kheo như cái que đi bắt muồm muỗm. Một bầu trời trong xanh với những đám mây, thấp thoáng cánh diều, đàn chim chiều hướng đôi cánh về phía núi xa...
Xem tranh, mẹ thường khe khẽ nói "hình như có cả tiếng chim hót và tiếng cười khúc khích của bầy trẻ nhỏ". Cũng có khi mẹ ngắm nghía chán chê rồi nhắm mắt chun mũi ngửi tranh. Chỉ có mùi giấy ô li và mùi hăng màu nước, ấy vậy mà mẹ quả quyết ngửi thấy mùi lúa chín thơm và mùi mồ hôi trên lưng áo mỏng. Có lúc mẹ khen anh em tôi vẽ gió sao mát thế, lá sao tươi non, những nụ cười tươi vui quá. Chẳng cần đến điểm mười của cô, anh em tôi cũng sướng tê người.
Môn vẽ như cho tôi cơ hội phác thảo cuộc sống bằng cái nhìn hồn nhiên, trong sáng và gần gũi về mọi thứ xung quanh. Không có gì gò bó, không phải theo chuẩn mực nào nên mới có những cái cây biết đi đứng, xếp hàng, biết dang tay ôm lấy nhau khi bão bùng mưa gió; những trang sách cũng biết than phiền khi bị bôi mực tím lem nhem. Mỗi bài vẽ đôi khi cò n như một câu hỏi "vì sao?".
Nhớ có lần em tôi ngồi rất lâu trước đề bài "Em hãy vẽ một bức tranh mùa hạ". Tôi gợi ý cho em về những bóng cây, lưng áo mẹ đẫm mồ hôi, ông mặt trời chói chang nóng. Mẹ thì bảo con cứ vẽ những gì con thấy thích. Em trai đã vẽ một bức tranh mùa hạ đẹp, có hồn: mẹ vác bó lúa nặng trĩu trên vai, nón lá nghiêng nghiêng, những giọt mồ hôi rớt xuống bỗng thành những nốt nhạc. Em nói mẹ đẹp, ngay cả giọt mồ hôi của mẹ cũng biết reo vui. Mẹ giữ bức tranh trong cuốn album lớn, tiếc là đã cháy mất cùng những tấm ảnh gia đình sau trận hỏa hoạn.
Tôi rất thích bộ phim Bức họa thứ tư của đạo diễn Mong Hong Chung, xây dựng từ câu chuyện có thật. Phim ít thoại, kể về cậu bé 10 tuổi sống một mình sau cái chết của cha. Một ngày người mẹ bất ngờ xuất hiện đưa cậu về nhà sống cùng người cha dượng khó tính, keo kiệt. Cậu bị ám ảnh bởi cái chết của người em trai nên thường đi lang thang trong đêm tối. Cậu bắt đầu vẽ và tìm thấy tâm hồn mình.
"Bức họa thứ tư" được vẽ khi cô giáo dặn học sinh nhớ mang theo gương để vẽ chính khuôn mặt mà các em nhìn thấy trong gương. Thay vì nhìn vào gương, cậu bé từ từ nhắm mắt lại để tự họa. Tôi tin vào giây phút ấy, cậu bé đã tìm thấy chính mình.
Tranh vẽ dù nguệch ngoạc, vẫn thường chứa đựng thông điệp mà trẻ muốn gửi gắm. Chúng thích kể thật nhiều câu chuyện cuộc sống qua từng nét vẽ. Tôi thích cách mà mẹ mình từng khuyến khích anh em tôi rằng hãy vẽ bằng cả trái tim, sự sáng tạo, sức tưởng tượng của mình.
Tôi cũng thích "bức họa thứ tư" của cậu bé trong phim, bởi không gì khó bằng tự họa. Người lớn hãy giúp trẻ em có cuộc sống thật nhiều màu sắc, nhiều trải nghiệm và đầy ắp yêu thương. Để sau này các em không chỉ tự họa mình bằng màu vẽ mà còn tự họa mình bằng niềm vui, hạnh phúc...
|