Nhiễm khuẩn đường tiểu (nhiễm khuẩn tiết niệu) ở trẻ em khá nguy hiểm vì trong rất nhiều trường hợp, các triệu chứng bị bỏ qua và dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Bàng (khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), nhiễm khuẩn đường tiểu (NKĐT) là bệnh lý phổ biến mà hầu như ai cũng ít nhất một lần gặp phải.
Tuy nhiên, ở trẻ em đường tiểu dễ bị nhiễm khuẩn hơn do sức đề kháng yếu và những trường hợp bị dị dạng tiết niệu (có nguy cơ nhiễm khuẩn cao) thì chưa được điều trị.
NKĐT ở trẻ rất “kín đáo”, không biểu hiện rõ ràng, không bị sốt cao (trừ trường hợp quá nặng), nhưng nó cứ xâm lấn dần, làm hỏng bàng quang, niệu quản, rồi tàn phá thận. Bệnh lặp lại nhiều lần sẽ làm hỏng thận, gây ra sẹo thận, biến thành suy thận không phục hồi sau nhiều năm.
TS Nguyễn Văn Bàng cho biết ngay cả khi đưa đến bệnh viện, nhiều trường hợp NKĐT vẫn có “chẩn đoán ban đầu không hề liên quan đến đường tiểu do đường đi của bệnh khá tinh vi”. Có trẻ tự nhiên bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, không tìm ra nguyên nhân, xét nghiệm chất thải không thấy gì nên được điều trị nhiễm trùng tiêu hóa bình thường.
Các bậc phụ huynh có thể phát hiện sớm hiện tượng NKĐT ở con em mình nếu thấy trẻ bị rối loạn tiêu hóa tái phát nhiều lần. Khi đi tiểu trẻ khó chịu, khóc giữa chừng hay khóc trước khi đi cũng là dấu hiệu của bệnh. Ngoài ra, trẻ bị NKĐT thường hay tự ý sờ vào bộ phận sinh dục của mình, tạo ra triệu chứng “bàn tay khai” rất dễ nhận biết.
Ở bé trai, nhiễm khuẩn hay gặp trong trường hợp có dị dạng đường tiểu, phần da của bộ phận dẫn tiểu bị túm lại, lỗ tiểu nhỏ. Khi đi tiểu, nước không ra được ngay mà ứ lại, đầu ra bị phồng lên thành một cục giống bong bóng. Chỉ đến khi nước tiểu căng quá mới xì ra, lúc theo hướng này, lúc theo hướng kia.
TS Nguyễn Văn Bàng cũng lưu ý nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn khó phát hiện đối với trẻ thường xuyên đóng bỉm. Nếu dùng tã, trẻ bị NKĐT sẽ để lại vết đục khi nước tiểu khô, nhưng bỉm giấy thường dùng xong bỏ đi ngay nên các bậc phụ huynh không để ý đến hiện tượng này. Chưa kể dùng bỉm thì phân và nước tiểu dễ lẫn nhau, tăng nguy cơ nhiễm trùng, phân dễ chui lên đường tiểu, nhất là ở trẻ gái.
Triệu chứng ban đầu để phát hiện bệnh NKĐT ở trẻ
|
Trẻ sơ sinh |
Trẻ 10 ngày đến 5 tuổi |
Sau 5 tuổi |
- Rối loạn tiêu hóa (ăn kém, buồn nôn, nôn, tiêu chảy).
-Không lên cân.
-Vàng da nhanh và đậm.
|
- Sốt các kiểu khác nhau (kéo dài, từng đợt, thất thường).Các cơn sốt cao, rét run, nổi vân tím.
- Có thể có đái đục, đái rắt, đái buốt.
|
- Đái rắt, đái buốt, đái đục.
- Đái dầm.
- Nước tiểu mùi khó chịu, màu xanh sẫm...
- Không sốt (NKĐT thấp) hoặc sốt cao rét run (NKĐT cao).
- Đau vùng thắt lưng.
|