Các bà mẹ "6 không" đều thấy mọi thất vọng, khổ đau trở nên nhẹ bỗng khi thấy nụ cười của con, được ôm con hoặc được con ôm.
Nếu chia các bà mẹ hiện đại thành nhóm (theo kiểu đối tượng để phân tích và nghiên cứu), có thể thấy, mối quan hệ giữa con và mẹ theo các nhóm cũng khác nhau, tình bạn của họ cũng khác nhau.
Ảnh minh họa.
Nhóm 1: Mẹ cùng đẳng cấp
Diện đồ hiệu, con học quốc tế, mẹ làm ra rất nhiều tiền hoặc sở hữu một ông chồng làm ra rất nhiều tiền. Mẹ nhóm 1 lúc nào cũng là niềm tự hào của con mỗi khi đi họp phụ huynh, từ mẫu giáo cho đến khi sắp vào đại học. Bệnh nhẹ hay nặng đều đã có phòng khám quốc tế; cả mẹ và con đều ít tiếp xúc với môi trường xã hội thông thường.
Ngoài giờ học, con tập đàn, tập võ, có thầy kèm riêng. Bạn bè, đối tác của mẹ cũng chọn lọc và khá hẹp, thường là các bà mẹ cùng thuộc nhóm 1. Con lúc nào cũng thơm tho, mẹ lúc nào cũng mượt mà. Con được học hành, chăm sóc tốt nhưng không kèm hơi ấm của những nụ hôn và vòng tay mẹ mỗi sáng, mỗi tối.
Các tương tác của mẹ và con đều nằm trong, thuộc về các điều kiện năm sao. Ngày thường, họ đều có môi trường riêng để gắn bó, nên chỉ được bên nhau chủ yếu là trong các kỳ nghỉ.
Nhiều mẹ có công việc kinh doanh xa nhà, dự án liên tục, về nhà có khi con đã ngủ, ra sân bay có khi con còn chưa dậy. Ngoài giờ học, con chỉ giao tiếp khá hạn chế với bác giúp việc, chú lái xe, nếu học trường quốc tế và sử dụng tiếng Anh thì việc này rất hiếm. Con không cần tập những kỹ năng sống độc lập để lớn lên cũng thành một công dân toàn cầu như mẹ, con đã làm quen và có nó sẵn rồi.
Tôi có một cô bạn nằm trong nhóm này, cô có biệt thự ở Singapore, khu Orchard, có nhà ở Boston hiện cho thuê để lúc con sang Mỹ học cũng không cần ở ký túc xá. Cô chuẩn bị cho con mọi điều kiện tốt nhất, yên tâm "chỉ đi kiếm tiền thôi", cho đến một ngày ngờ ngợ nhận ra, so với bình thường, con bé hơi thừa cân.
Hỏi, con khi trả lời, khi không, bác sĩ tâm lý nói con có dấu hiệu trầm cảm và rối loạn hành vi. Vì mẹ không ở cạnh con hàng ngày, không nhận ra những thay đổi nhỏ rồi lớn dần ấy...
Một bà mẹ khác bận rộn vì cần tháp tùng chồng, mà chồng thì đi nước ngoài nhiều hơn ở nhà. Rồi đến một ngày cũng ngờ ngợ khi thấy con gái hình như đã vài năm nay không đòi mua váy mới, một chiều mở tủ con thấy toàn sơ mi, áo thun, quần short túi hộp hầm hố, mũ lưỡi trai, giày thể thao, giày đinh...
Và nhận ra tóc con ngắn quá, dáng vẻ tomboy hay hay ngày nào của cô bé nghịch ngợm đã chuyển hẳn sang một style mạnh mẽ, phi giới tính và cái cách cô nhếch môi từ chối sự quan tâm của cậu bạn trong khi đặc biệt dịu dàng với bạn cùng giới có gì đó rất... bất ổn! Và bà mẹ năm sao nhận ra, chưa bao giờ có một cuộc trò chuyện với con thật tâm tình, để thực sự biết con là ai và cần gì.
Nhóm 2: Mẹ là vú em
Những phụ nữ thuộc nhóm này coi con là cả cuộc đời, chết cho con được sống là chuyện dĩ nhiên. Ở khía cạnh chăm sóc con, họ gần như ở thái cực đối lập với nhóm 1. Con học trường tốt nhất, ăn thực phẩm sạch nhất, mọi yêu cầu của con đều được đáp ứng, con được chăm sóc từ móng chân đến tận răng theo cả hai nghĩa đen và bóng. Con ăn cá, mẹ sẽ gỡ xương; con ăn dưa hấu, mẹ sẽ lẩy hết hạt. Con khỏe hay ốm đều không phải đụng tay chân vào bất kỳ việc gì.
Nhà có người giúp việc hay không thì quần áo con thay ra có người giặt, bát con ăn xong có người rửa, khăn mặt con lau xong có người vắt lên. Phần thiếu của những bà mẹ này chính là khoảng cách cần có với con, để con không ngột ngạt, và mẹ không căng thẳng.
Phần thương mà thật ra là hại con của những bà mẹ nhóm này là các con sẽ không làm được bất kỳ việc gì, và hậu quả có thể khó nhận ra nhưng sẽ đến, là con ích kỷ, coi chuyện được chăm sóc là đương nhiên.
Chưa kể, việc ở nhà chăm sóc con có thể khiến mẹ tụt hậu, không cập nhật. Khi con dần lớn, mẹ không đủ sức và tầm để định hướng và thuyết phục con trước các bước ngoặt cuộc đời. Nói cho cùng, mẹ có khi chỉ được coi thân thiết như một bà vú tận tâm.
Con có yêu mẹ không? Có gắn bó với mẹ không? Có chứ, nhưng mối quan hệ ấy không phải là một tình bạn. Vì tình bạn là phải có tương tác hai chiều. Mẹ chăm con và con chăm sóc mẹ, chứ không phải tình mẫu tử mang đậm màu sắc hy sinh một chiều như một cái cây với những chiếc lá của mình.
Những bà mẹ nhóm 2, xưa kia, khi có con trai, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên một thế hệ đàn ông thiếu kỹ năng sống của thế kỷ XX.
Nhóm 3: Là bạn của con
Ở những cổng trường mỗi sáng, bạn sẽ gặp hàng triệu bà mẹ nhóm này. Họ tấp xe, càng lách đi sát cổng trường càng tốt vì không phải sợ con đi bộ xa mà sợ dừng xe bên ngoài, con bước xuống dễ bị bỏng bô xe khác. Con chạy vội vào cổng, còn ngoái đầu "con chào mum", có hôm dư thời gian thì sẽ hôn chụt vào má mẹ một cái rồi mới tung tăng vào lớp.
Chiều đến, hàng trăm hàng ngàn bà mẹ, xe máy đậu trước các cổng trường, hàng trăm gương mặt giữa xôn xao tiếng gọi, "Tun ơi", "Bi ơi"... Những gương mặt ấy, âm thanh ấy luôn là hình ảnh làm cho bạn thấy ngày đã trôi qua thật dễ chịu vì nó tràn đầy âu yếm, dịu dàng.
Phần đông các bà mẹ nhóm 3 đều đau đáu với câu hỏi "chiều nay ai đón con", nhưng chỉ vì quá bận rộn không thể, chứ với họ, việc đón con, nghe con líu lo sau lưng là việc mong muốn và sẵn lòng tận tụy làm nhất mỗi ngày. Cuối tuần, cùng con làm bánh, nấu cho con ăn những món con thích luôn là niềm vui thật sự của họ.
Những bà mẹ nhóm 3 biết rành từng bạn thân lẫn không thân của con trên lớp hôm nay có gì vui buồn. Mẹ có thể cho con đi chơi với bạn vài tiếng hay vài ngày mà yên tâm biết chúng dành cả số tiền dành dụm chung để làm những việc như đóng hộ bạn học phí khi bố bạn đang ốm, nhà bạn khó khăn.
Những bà mẹ nhóm này cũng thi thoảng lùi xa cho con tự chăm sóc mình, nhưng khoảng cách giữa mẹ và con vẫn chỉ một tầm tay với. Con có học giỏi hay học chỉ trung bình, có thiếu hay thừa cân, có "chuẩn men" hay đầy nữ tính hoặc thuộc giới thứ ba, bất kỳ khi buồn, vui, ở đỉnh cao hạnh phúc hay chạm đáy thất vọng, số điện thoại con bấm đầu tiên là mẹ.
Mẹ nhóm 3 thực sự là bạn của con, một tình bạn bền chắc và phát triển tốt cho đến qua tuổi dậy thì và mẹ tuổi bốn mươi. Lúc bấy giờ, những câu hỏi về các mối quan hệ, những băn khoăn hay hoang mang, những điều cần hỏi để được lắng nghe chứ chưa chắc cần giải pháp từ mẹ lại được con đón nhận và chia sẻ.
Những phụ nữ nhóm 3, bạn sẽ gặp nhiều lắm, có khi thấy họ chat viber hay skype say sưa, vừa chat vừa tủm tỉm cười, có khi thấy họ "buôn dưa lê" qua zalo thầm thì hàng tiếng, kết thúc các cuộc hội thoại là đăm chiêu hay rạng rỡ, thì đừng nhầm họ đang hẹn hò với tình nhân. Rất có thể, họ đang trò chuyện với bạn thân - con đi du học xa.
Một nhóm các bà mẹ nhóm 3 đã chia sẻ với các bà mẹ khác về bí quyết "6 không" của họ để trở thành bạn thân của con:
1. Không truy tận cùng khi con muốn im lặng
Điều này thể hiện sự tôn trọng con. Mẹ muốn biết bằng được thì mẹ hãy tìm cơ hội và thời điểm khác, thậm chí đối tượng khác để tiếp cận, và cho con cách thức khác để thổ lộ.
Không nói trực tiếp, con có thể nhắn tin hay email, viết thư cho mẹ. "Mẹ có thể tìm được giải pháp, vấn đề là mẹ cần nghe trước đã, nếu con tin cậy thì cứ share nhé, không thì thôi, lúc khác..." - câu này hữu hiệu lắm.
2. Không phủ đầu khi con mắc lỗi
Phủ đầu lập tức làm các con mất hứng. Rất có thể mẹ đúng, nhưng cái đúng thiếu tế nhị và tin cậy sẽ làm trẻ co lại, nhất là khi chúng mắc lỗi và đang tìm kiếm sự thông cảm. Bạn cũng đâu cần con nhận lỗi là xong, bạn cần con nhìn ra lỗi ấy để sau này không mắc nữa.
Nên hãy sẵn lòng nghe, thậm chí như có chút thông cảm, về hùa, cho cô cậu yên tâm trải lòng, mẹ cũng sẽ hiểu lỗi của con thật sự trầm trọng đến đâu. Luôn cần khách quan trong đánh giá, nhất là khi người mắc lỗi là con mình.
3. Không nghi ngờ khi con chia sẻ
Chọn trường là một ví dụ. Khi đã cho con tự lựa chọn theo năng lực của con và khả năng tài chính của gia đình thì đừng nghi ngờ cháu sẽ chọn trường này hay trường khác vì có bạn trai/bạn gái theo học ở đó không.
Học ở đâu là một buớc ngoặt vô cùng quan trọng trong đời. Nếu con chọn sai, con sẽ mất thời gian, mất cơ hội tốt khác. Nếu là bạn, ở đâu cũng sẽ là bạn. Chỉ cần nói với con một lần như vậy là đủ.
4. Không lạm dụng quyền phụ huynh
Áp đặt là lỗi lớn nhất của phụ huynh. Bố mẹ quyết định dù con không thích, có thể điều này tốt và thuận tiện cho con, nhưng việc lạm dụng quyền làm bố mẹ để buộc con làm theo ý mình sẽ là sự cản trở vô cùng lớn để con và bố mẹ trở thành bạn.
Bạn thì cần lắng nghe nhau, thẳng thắn và dân chủ, chứ "mẹ yêu cầu, con đừng hỏi, làm đi" thì chắc chắn không bao giờ bố mẹ có thể là bạn.
5. Không trì hoãn, thoái thác khi con cần tâm sự
Nếu bạn yêu con đủ, bạn sẽ nhấc máy điện thoại bất kỳ lúc nào khi thấy số của con. Nếu bạn tôn trọng con đủ, bạn sẽ không bao giờ nói: chuyện nhỏ, lúc khác nói nhé... Trì hoãn và thoái thác nghĩa là bạn cắt đi cái cầu nối con vừa định bắc.
6. Không nhắc lại lầm lỗi, nhất là khi có người khác
Dù con còn nhỏ, mẹ cũng nên tập ngay chuyện "chỉ nói một lần thôi". Bản thân mình không thích gì, đừng bắt con phải nhận. Nhắc đi nhắc lại lỗi cũ là nguyên nhân để con thấy khó chịu và không muốn gần gũi bố mẹ. Xong rồi thôi, chuyện cũ không nhắc.
Các bà mẹ "6 không" đều thấy mọi thất vọng, khổ đau trở nên nhẹ bỗng khi thấy nụ cười của con, được ôm con hoặc được con ôm. Tình thân của mẹ và con thực sự là tài sản quý báu nhất, là một thành công rực rỡ đáng yêu nhất.