Bố mẹ nào cũng muốn con lớn lên tự tin và có khả năng. Tuy nhiên, đôi khi cha mẹ lại không nhận ra mình đang làm những điều ngược lại.
Trong cuộc sống, đôi khi những cư xử của chúng ta vô tình khiến trẻ đánh mất sự tự tin của mình và trở thành đứa trẻ nhút nhát, không dám bộc lộ khả năng của bản thân.
Trẻ luôn muốn được bố mẹ đối xử như một người bạn. Ảnh minh họa: E.B.
1. Luôn nhắc đến nhược điểm của trẻ
Có thể bạn chưa nhận ra, nhưng luôn chú ý và xoáy vào nhược điểm của trẻ không bao giờ khiến trẻ tốt hơn lên, nó chỉ khiến trẻ ngày càng thấy rõ sự yếu kém của mình và cảm thấy bất lực với điều đó. Vì vậy, cha mẹ đừng bao giờ mạt sát, chửi mắng và quy kết con là đứa thế này, thế nọ chỉ vì trẻ lỡ phạm lỗi, cũng đừng chê bai con kém cỏi, ngu đần, vụng về, nhút nhát.
Nếu bạn thấy được nhược điểm của con, thay vì xoáy sâu vào nó, hãy nói điều ngược lại. Ví dụ, nếu trẻ là đứa nhút nhát, hãy khen con bất kỳ việc nhỏ nào trẻ làm mà bạn cho rằng con thật là tự tin. Nếu con học kém, hãy khen con thật nhiều nếu con kiếm được điểm 7 đầu tiên, đồng thời khuyến khích con cố gắng nữa để đạt điểm 8, 9, 10.
2. Nói rằng "Cái đó thật dễ"
Con bạn đang phải vất vả chiến đấu với một nhiệm vụ, việc đó có thể rất dễ với người lớn nhưng với bọn trẻ thì không. Nếu bạn nói: "Cái đó rất dễ, con có thể làm được", bạn nghĩ rằng bạn đang khuyến khích chúng nhưng bọn trẻ lại nghĩ: "Mình đã làm điều gì đó sai, bởi vì mình không hề thấy dễ, mình là một đứa ngu ngốc". Thực tế, câu "việc đó dễ mà" có thể khiến đứa trẻ cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ. Nó làm giảm lòng tự tin của đứa trẻ.
Thay vào đó, cha mẹ có thể nói: "Việc đó có vẻ khó khăn đấy. Con phải cố gắng". Khi bọn trẻ hoàn thành nhiệm vụ, bạn có thể nói thêm với con rằng bạn cũng từng phải làm những việc khó khăn. Cách nói này giúp trẻ luôn cảm thấy được động viên và sẽ tự tin với bản thân mình hơn.
3. Bạn quá nghiêm khắc với con
Bạn cho rằng nghiêm khắc sẽ giúp trẻ thành công và trở thành người tốt hơn. Nhưng phương pháp dạy con quá nghiêm khắc, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo ở trẻ trong mọi khía cạnh như ngoại hình, tính cách, thể thao, trí thông minh... Khi mắc lỗi, trẻ sẽ cảm thấy mình thật vô dụng và tức giận bản thân, nghiêm trọng hơn là chúng có thể tìm đến những giải pháp tiêu cực như tự tử và tự làm tổn thương bản thân.
4. Thích mỉa mai và lấy sự yếu kém của con làm trò cười
Khi trẻ nói rằng, mai này con sẽ làn một thầy giáo, nhiều ông bố bà mẹ sẽ nói đại ý "Con làm thầy giáo để mà dạy... heo à". Cũng có nhiều người mang nỗi mặc cảm của con mà vui đùa: "Nhà mình có đứa học giỏi thật, hôm nào cũng được những 4 điểm, chả bù cho bạn A, ngày nào cũng chỉ được có hai điểm 10".
Đừng trù dập những ước muốn ngây thơ của con, đừng bao giờ lấy nỗi mặc cảm của con làm trò vui hoặc khiến con phải xấu hổ. Điều đó chỉ càng làm trẻ mất tự tin thêm mà chẳng thể giải quyết được điều gì. Khi trẻ lúc nào cũng tự ti vào bản thân, khi lúc nào trẻ cũng có cảm giác mình bị cười cợt bởi cả chính cha mẹ mình, trẻ sẽ không còn biết tin vào ai, không tin cha mẹ và không tin vào chính mình.
5. Làm hộ trẻ quá nhiều
Bọn trẻ muốn được tự mình giải quyết nhiệm vụ của mình. Điều này mang lại cho trẻ một cảm giác tuyệt vời về thành tích và giúp chúng có được cảm giác tốt về bản thân mình.
Trong khi đó, nhiều cha mẹ lại cảm thấy làm việc gì đó hộ trẻ là một cách để thể hiện tình yêu con. Cha mẹ không biết rằng cứ làm hộ con, họ vô tình đã tước mất của con cơ hội học hỏi các kỹ năng cuộc sống và sự hài lòng khi được độc lập. Việc làm giúp con giống như cha mẹ đang gửi đến trẻ thông điệp: "Con không có khả năng làm việc đó".
Thay vì làm việc giúp trẻ, cha mẹ có thể giúp trẻ chia nhiệm vụ lớn thành những công việc nhỏ phù hợp với trẻ hơn. Điều này mang lại cho trẻ sự hài lòng khi chúng hoàn thành nhiệm vụ. Lòng tự tin của trẻ sẽ được tăng cao.
6. Tiết kiệm lời khen với trẻ
Khi làm được một việc tốt, tìm ra cách giải một bài toán khó hay giúp bố mẹ làm việc nhà, trẻ luôn mong nhận được lời khen từ cha mẹ.
Tuy nhiên, đôi khi nhiều phụ huynh lại quên mất điều này. Chính thái độ thờ ơ của bố mẹ với những việc làm của trẻ sẽ khiến trẻ có suy nghĩ mình thật vô dụng, không làm được việc gì vừa lòng cha mẹ. Từ đó trẻ sẽ dàn mất niềm tin vào bản thân.
7. Ngắt lời, không cho con nói ý kiến của mình
Không ít bố mẹ vẫn giữ quan điểm "bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy" hay "bố mẹ nói con cấm được cãi" trong khi dạy dỗ con. Nhiều trường hợp, vì nóng giận, bố mẹ không cho con nói hết câu, không cho con giải thích từ đầu đến cuối mà đã trách mắng con. Việc không lắng nghe con nói có thể làm bố mẹ hiểu không đúng bản chất sự việc rồi trách mắng oan con. Còn đối với đứa trẻ, khi biết có nói nữa bố mẹ cũng chẳng nghe, sẽ trở nên thu mình trong cái "mai rùa" và hạn chế chia sẻ. Trong những trường hợp này, bố mẹ nên học cách lắng nghe để có thể thấu hiểu con và giúp con tháo gỡ khúc mắc.
8. Trêu chọc, đùa dai, gán ghép con
Con có thể sẽ cáu gắt, thậm chí là khóc khi bị bố mẹ đùa dai, trêu chọc. Nhiều lần bị trêu với cùng một nội dung, con sẽ ám ảnh mãi về sau này. Chị Yến cho biết, "lúc con còn bé, tôi hay trêu và gán ghép cô con gái với con nhà chị hàng xóm mặc dù biết con bé không thích và xấu hổ. Sau này, con bé nhất định không chịu chơi với con nhà chị hàng xóm nữa". Bố mẹ có thể nghĩ đơn giản đó chỉ là trêu đùa con cho vui nhưng con lại nghĩ "nghiêm túc" hơn bố mẹ nhiều. Vì vậy, nếu biết con không thích, bố mẹ nên dừng lại việc trêu đùa này