Cứ 293 trẻ nhiễm siêu vi Rotavirus thì có 1 trẻ tử vong. Nhiễm khuẩn do siêu vi Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng và ói mửa ở trẻ 6 - 24 tháng trên toàn thế giới. Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ càng lớn.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm siêu vi Rotavirus chiếm 56% các ca tiêu chảy cấp nhập viện. Điều đáng nói là nhiều trẻ mắc tiêu chảy thường được đưa đến bệnh viện quá muộn.
Từ năm 1982, Việt Nam đã triển khai chương trình phòng chống tiêu chảy. Đến nay tỷ lệ trẻ mắc bệnh tiêu hóa giảm dần hàng năm.
Tuy nhiên, vào thời điểm thay đổi thời tiết, nhất là mùa nóng, trẻ dễ mắc nhiều loại bệnh, trong đó có tiêu chảy. 95% trẻ em trên thế giới đều bị nhiễm Rotavirus một lần trong giai đoạn trước 3-5 tuổi.
Điều quan trọng là nhiễm Rotavirus không thể dự phòng bằng các biện pháp vệ sinh chuẩn mực đơn lẻ. Đặc biệt, tiêu chảy cấp thể nặng có thể gây tử vong nếu không bù nước kịp thời; hoặc tạo nguy cơ suy dinh dưỡng nếu không được chăm sóc đúng.
Rotavirus lây phổ biến qua đường tiêu hóa do sự lan truyền siêu vi từ phân người bệnh lên các đồ vật trong môi trường như bàn tay, đồ dùng, đồ chơi… Siêu vi sống lâu trong môi trường nên có tính lây lan mạnh từ người sang người.
Nhiễm siêu vi Rotavirus sẽ gây viêm dạ dày ruột cấp với biểu hiện nôn ói, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, sốt, đau bụng. Hậu quả là mất nước cơ thể nhanh và khó bù dịch đủ qua đường uống.
Không có phương pháp điều trị cụ thể cho Rotavirus. Hiện chỉ có thể làm dịu các triệu chứng bằng cách bù dịch bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch và hạ sốt.
Về phòng ngừa, Tổ chức Y tế thế giới đã xác định việc phát triển vaccine ngừa Rotavirus là ưu tiên hàng đầu cho y tế cộng đồng. Vaccine dạng uống là loại vaccine mới nhất phòng chống viêm đường tiêu hóa do Rotavirus và được chứng minh hiệu quả bảo vệ lên đến 90%.