Theo các chuyên gia tâm lý học, đòi hỏi là vấn đề rất phổ biến ở trẻ em. Ở độ tuổi này, hầu như các bé chưa thể nhận thức được bản chất sự việc mà chỉ chăm chăm thể hiện mong muốn và khát khao có được thứ mình cần. Vì thế, không nên đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ, nhất là những đòi hỏi vô lý. Thêm nữa, nói lời từ chối đúng trường hợp và đúng thời điểm cũng là một trong những phương pháp giáo dục có sức mạnh bất ngờ mà có thể nhiều người không nghĩ đến.
Đã làm ba, làm mẹ, hầu hết đều yêu thương và luôn cố gắng mang đến con trẻ tất cả những gì tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, nhiều ông bố, bà mẹ, vì quá yêu thương mà dẫn đến nuông chiều, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Dù có thể sự đáp ứng ấy nằm trong khả năng hay năng lực tài chính, song việc thường xuyên thỏa mãn mọi đòi hỏi sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý cũng như định hình nhân cách sau này của chúng. Bạn nghĩ rằng: Đáp ứng yêu cầu sẽ mang đến niềm vui cho trẻ, thỏa mãn mong muốn sẽ giúp bé cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy trong tình thương của ba mẹ. Nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy!
Mặt khác, nhiều ba mẹ chấp nhận đòi hỏi vì bé quá khóc lóc hay kêu la. Đây được xem như tâm lý thỏa hiệp của cha mẹ trước hành động gây áp lực từ bé. Bé đòi mua đồ chơi, bạn không đồng ý và thế là bé khóc lóc giữa siêu thị. Dù đã cố gắng khuyên bảo nhẹ nhàng hay trách mắng, quát nạt, nhưng vô hiệu, thậm chí còn la khóc to hơnc. Thế là nhiều người tặc lưỡi đáp ứng đòi hỏi để bé dừng ngay hành động la khóc ấy. Điều này cũng không nên.
Trong rất nhiều tình huống, các bậc làm cha, mẹ cần cứng rắn và nghiêm khắc nói lời từ chối với trẻ. Bởi lời từ chối được đưa ra đúng trường hợp, đúng thời điểm sẽ phát huy hiệu quả và có sức mạnh trong việc giáo dục và rèn luyện nhân cách, nhận thức từ nhỏ của trẻ.
Tự lập và thôi ỷ lại vào ba mẹ
Bé đã có thể tự buộc dây giày, đi giày, tự đeo cặp hay mặc quần áo. Nhưng bé vẫn muốn nhận được sự trợ giúp từ ba mẹ. Đây là dấu hiệu cảnh báo về căn bệnh "thích đòi hỏi". Trẻ em thường nghĩ chúng đáng và sẽ luôn được ba mẹ giúp đỡ, cho dù là việc nhỏ hay lớn. Đặc biệt, chúng được ưu ái và miễn trừ trước nhiều nguyên tắc mà cha mẹ đặt ra. Với trường hợp này, cha mẹ phải kiên quyết từ chối những yêu cầu giúp đỡ của trẻ. Điều này sẽ giúp bé rèn luyện tính tự lập từ nhỏ và thôi ỷ lại vào ba mẹ.
Tất nhiên, cha mẹ không nên từ chối thẳng thừng hay nghiêm khắc mà cần giải thích cho bé hiểu rằng: chúng đã lớn và có thể tự làm được. Các bạn ở tuổi của bé cũng tự làm như thế. Cùng với đó, cha mẹ nên khích lệ bé bằng một số câu như: "Ba/mẹ tin là con tự làm được!", "Con hãy thử tự làm xem!", "Con hãy tự làm, nếu không được ba/mẹ sẽ giúp!"...
Có trách nhiệm
Cha mẹ yêu cầu bé phụ giúp xếp quần áo sau khi phơi, quét nhà hay tự dọn dẹp góc học tập. Nhưng bé lại lo chơi, chần chừ, giãy nảy không thực hiện. Với thái độ và hành động này, nhiều người nghĩ rằng: Trẻ chỉ đang không vâng lời. Nhưng thật chất đó là tâm lý đòi hỏi ngầm. Khi trẻ từ chối làm theo yêu cầu của cha mẹ mà được chấp nhận cũng có nghĩa chúng ta đã thỏa hiệp với sự đòi hỏi của bé.
Trong tình huống này, hãy mềm mỏng đưa ra nhiều lựa chọn cho bé, ví dụ như: "Con có thể chọn giữa xếp quần áo hay rửa rau!", "Con thích việc nào hơn?"... Hoặc áp dụng điều kiện: "Nếu con xếp quần áo xong, con có thể ăn một ít quà bánh". Cha mẹ chỉ thỏa hiệp đòi hỏi của trẻ khi kết hợp điều kiện đi kèm. Cha mẹ nên đều đặn phân công công việc cho bé. Như vậy vừa giúp bé có tinh thần trách nhiệm, rèn luyện được những kỹ năng cần thiết, lại vừa hạn chế được căn bệnh đòi hỏi.
Biết đủ và dừng lại
Hầu hết trẻ nhỏ đều thích mua bánh kẹo hay đồ chơi. Song việc thường xuyên vòi vĩnh, thậm chí giận dỗi, la khóc để được mua bánh kẹo hay đồ chơi lại là vấn đề cần quan tâm. Nhất là với những trẻ được ba mẹ nuông chiều sẽ không biết khi nào là đủ và cần dừng lại. Bé đòi là cha mẹ sẽ mua, vô tình hình thành cho bé thói quen đòi hỏi.
Với trường hợp này, bạn cần từ chối một cách nghiêm khắc và đưa ra một số thỏa thuận hay quy tắc như cấp cho trẻ khoản chi tiêu hàng tuần. Bé chỉ có thể sử dụng trong khoản chi tiêu ấy. Không chấp nhận vượt mức chi tiêu hay hành động đòi hỏi thêm khi đã tiêu hết số tiền. Phương pháp này không chỉ giúp từ chối sự đòi hỏi mà còn rèn luyện cho bé khả năng tự quản lý tài chính một cách hợp lý và tiết kiệm.
Niềm vui thành quả
Nếu trẻ đòi mua cặp mới, một chiếc xe đạp hay máy vi tính... hãy từ chối và thay vào đó biến đòi hỏi của trẻ thành phần quà. Tỷ như khi trẻ thực hiện tốt một điều gì đó như có kết quả học tập tốt, cha mẹ sẽ tặng cho trẻ món quà mà chúng mong muốn. Như thế sẽ giúp trẻ phấn đấu, chăm chỉ, nỗ lực học tập để đạt những điều mình mong muốn. Khi có được phần quà ấy, bé sẽ cảm thấy niềm vui của thành quả, cảm giác vượt qua được thử thách và khó khăn.
Những lời từ chối thông minh, đúng lúc không chỉ có tác dụng "trị" được căn bệnh đòi hỏi của con trẻ, mà còn giúp định hướng đúng đắn con đường hình thành và phát triển nhận thức, nhân cách của bé. Khi trưởng thành, bé sẽ biết tự lập, có trách nhiệm và có cách ứng xử, giao tiếp đúng mực với mọi người xung quanh.
|