Sự thay đổi của kỹ thuật ngày nay đã khiến vai trò làm cha mẹ khó khăn hơn hay dễ dàng hơn? Tình cảm giữa cha mẹ và con cái, ngày càng mật thiết hay đã trở nên vô cảm? Những câu hỏi này có làm bạn ưu tư, có làm bạn băn khoăn khi gọi con, chúng tảng lờ? Hoặc lúc sai bảo, khuyên răn điều gì chúng phản đối, vùng vằng, cãi lại vì đang cầm một cái Ipad, Smartphone hay dán mắt vào màn hình của một máy tính?
Chúng ta nên nhìn sâu vào sự việc để tìm hiểu xem những thiết bị kỹ thuật cao có lợi hay hại trong việc cha mẹ giáo dục con cái.
Giống như tất cả các mối liên hệ khác, mối liên hệ thân thiết giữa cha mẹ và con cái cần được xây dựng bằng tất cả mọi nỗ lực. Vai trò làm cha mẹ thật không phải dễ. Nó là trách nhiệm một người thầy trong cộng việc dạy dỗ uốn nắn. Là bổn phận của đấng sinh thành trong công cuộc nuôi dưỡng, thương yêu, bảo bọc vì ràng buộc huyết thống. Hơn thế nữa, kẻ làm cha mẹ còn phải ở vị thế "một người bạn" để gần gũi, cảm thông và chia sẻ với các con từ lúc còn bé cho tới tuổi trưởng thành.
Việc nuôi nấng lo lắng cho các em được mạnh khoẻ, no ấm và đầy đủ là công việc nặng nhọc, nhưng việc làm nhức óc hầu hết các phụ huynh chính là việc răn dạy, giáo dục con cái cho nên người. Nhiều phụ huynh rất lúng túng không biết dạy con thế nào cho đúng, cộng thêm vấn đề phải đương đầu với sức ép của những thay đổi trong thời đại kỹ thuật mới. Trong khi các em thì tiến rất nhanh trong việc cập nhật hoá kiến thức cũng như việc sử dụng các sản phẩm tiến bộ. Ngược lại, có rất nhiều các bậc cha mẹ rất sợ đối diện với cái mới, cái khó và phức tạp của các thiết bị điện toán.
Nhiều phụ huynh tâm sự, lúc khó dạy nhất, là lúc các em đến tuổi vào trung học tức là lứa tuổi thiếu niên, tuổi dậy thì, tuổi teen. Cái tuổi dở dở, ương ương, chưa là người trưởng thành, nhưng lại bắt đầu có những suy tư và lý luận riêng. Tuổi của nhựa sống đang lớn dậy và cũng là tuổi khó chịu nhất khi các em chưa thấu cái đúng, chưa hiểu rõ cái sai. Khi tiếp nhận giáo dục từ cha mẹ, sự phản kháng ở các em thường là lý sự hay cãi lại hơn là vâng lời răm rắp như ước vọng của các phụ huynh. Nguyên nhân mối bất hoà trong nhiều gia đình đưa tới sự ly tán chỉ vì bất đồng trong đường lối giáo dục. Người vợ thường mềm dẻo , trong khi người chồng thì cứng rắn hơn trong phương pháp uốn nắn con cái. Kết quả trong việc bênh, dạy con theo ý riêng là giải pháp ly dị sau một thời gian dài cãi cọ khiến hạnh phúc vỡ tan.
Trong nhóm tuổi những người dùng các sản phẩm điện tử với kỹ thuật cao nhiều nhất lại là nhóm tuổi "teen". Các em thường dùng cell-phone, Ipad, Smart phone, computer, và những loại video games khác nhau. Sinh hoạt đời sống hàng ngày của các em hoà lẫn vào các thiết bị này. Theo một vài nghiên cứu cho biết chính thời gian các em sử dụng chúng càng tăng, mật thiết giữa các em và gia đình càng giảm.
Chúng ta có thể tưởng tượng hình ảnh của một cô hay cậu thiếu niên lưng đeo cặp sách , lúc nào hai tai cũng bịt kín với hai ống nghe, tay thì liên hồi đánh máy trên chiếc màn hình của chiếc Iphone ở trên đường đến trường. Chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh này trên bàn ăn các bữa cơm gia đình, trong các buổi hội họp bè bạn, ở công viên, trong xe bus, nơi phòng riêng của các em hay bất cứ nơi nào mà các em hiện diện.
Có nhiều ý kiến trái ngược được phát biểu về việc sử dụng này. Khi được hỏi, các em cảm thấy rằng các sản phẩm thông minh ấy là phương tiện truyền thông khiến các em gần hơn với bạn bè và người thân. Điều lợi do chúng mang lại, không ai chối cãi được vì những hệ thống liên mạng nối kết con người, nối kết tình thân lại gần nhau. Địa cầu trở nên bé nhỏ khi người ta không cần gặp nhau mà vẫn biết về nhau chỉ cần qua một cái chạm nhẹ của ngón tay. Người ta có thể chia sẻ thông tin, sau một hai phút sự việc xảy ra giữa những khoảng cách không gian to rộng.
Con số thanh thiếu niên dùng tin nhắn(text message) trong điên thoại cầm tay để liên lạc với nhau là một con số đáng kể. Phụ huynh còn theo dõi, khuyên bảo và kiểm soát con mình bằng cách gọi điện thoại trong các trường hợp khẩn cấp. Sự mật thiết giữa cha mẹ, con cái có khi được nối liền trong trường hợp các em có cha mẹ bị ly dị.
Theo báo cáo của Pew Rrsearch center trung bình khoảng tuổi từ 18 tới 24, đã gởi 109.5 tin nhắn mỗi ngày. Có 54% các em teen dùng Cell phone. Và cứ 4 em thì có 1 em dùng Smart phone, chính xác hơn là 31% theo thống kê.
Ngoài việc sử dụng điện thoại cầm tay để làm đủ mọi việc như trò chuyện, nghe nhạc, chơi game, các em còn dùng thời gian trong việc sử dụng máy điện toán cá nhân là computer. Cái lợi của máy này giúp các em lên mạng, giao tiếp với người khác, làm bài tâp và giải trí trong việc chơi game. Ipad cũng giúp các bậc phụ huynh hữu hiệu trong việc giữ những em nhỏ vui chơi và học hỏi trong lúc cha mẹ bận rộn. Ipad còn phát triển trí thông minh và hiểu biết của các em nhỏ hơn trong việc học ngữ vựng và sự nhanh nhạy.
Lý do các phụ huynh mua các thiết bị điện toán cho con dùng là mong chúng phát triển cơ hội học hỏi từ các dụng cụ này mang lại. Tuy nhiên, theo một bài báo của NewYork Times thì sự mê đắm các thiết bị nói trên khiến những giao tế mặt chạm mặt trở nên hiếm hoi. Bất cứ nơi nào có sự hiện diện hay có sự nối kết của sản phẩm điện tử, những cuộc trò chuyện tận mặt hay gặp gỡ để tâm sự cảm thông biến dần đi. Hơn thế nữa, sự bê trễ học hành, ngồi quá lâu trước màn hình, hay say mê đến quên ăn quên ngủ là một tai hại trực tiếp đến sức khoẻ và tương lai học vấn của các em. Ngoài ra việc chăm chú nhìn màn ảnh nhỏ sẽ làm mắt các em cận thị sớm, dùng ống nghe vặn quá to trong nhiều năm sẽ hại đến thính giác, và cái chúng ta thấy rõ nhất là bệnh mập phì có cơ hội phát triển vì ngồi quá lâu trước máy điện toán chưa kể bệnh đau cổ tay, hay đau lưng sau này.
Trầm trọng hơn, việc lạm dụng và nghiện game đã tạo nhiều bi kịch đau thương giữa người thân, cha mẹ và chính các em. Trong những vụ án gần đây nhất ở Việt Nam và các nơi khác, người ta thấy rõ có những khủng hoảng trong nhân cách và giá trị đạo đức con người. Ở ngoại quốc và ngay trong Việt Nam đã xảy ra các vụ con ngược đãi cha mẹ, chém giết người sinh thành. Nhiều gia đinh tình thân đã trở nên rất lỏng lẻo, mối tương quan kính trên nhường dưới bị đảo lộn. Lại có cảnh con cái lên mạng mắng chửi cha mẹ, ông bà vì họ không cho chơi và bắt chúng học và làm việc nhà.
Người Việt Nam thường coi trọng bữa cơm tối. Riêng trường hợp các em dùng tin nhắn quá nhiều và trong cả giờ cơm, bỏ mặc phút giây gia đình sum họp là một việc những bậc sinh thành rất phiền lòng. Có nhiều gia đình cha mẹ làm việc quần quật cả ngày, chỉ có bữa cơm mới được gặp mặt con, vừa thấy mặt chúng thì tai ống nghe bịt kín, tay lia lịa bấm tin nhắn, ai không bực mình. Thêm vào việc có những giáo huấn nghiêm khắc theo kiểu văn hoá Á Đông của một số phụ huynh từ lâu đã tạo nên những mối hận uẩn ức hằn sâu trong một số những thanh thiếu niên. Cho nên khi gặp dịp, lửa giận bùng vỡ và bất đồng bắt lửa. Những bài học đạo đức được giảng trên bàn ăn, những la rầy, răn dạy thường làm món khai vị trong bữa cơm làm chúng khó chịu, mặt ai cũng nặng như chì và kết quả là các em bỏ cơm, chạy về phòng. Cha tiếp tục la mắng, đòi đánh con, mẹ yếu lòng, binh con, chiến tranh gia đình bùng nổ.
Sống trong một xã hội toàn cầu hóa ngày nay, trang bị những máy móc với kỹ thuật hiện đại là nhu cầu khẩn thiết của con người. Nhưng sự nô lệ quá nhiều vào máy móc khiến con người nhiều lúc giống hệt một con robot biết thở. Giáo dục một đứa bé thành người không phải là biến nó thành một người giỏi với bộ óc vô cảm. Thành người theo quan niệm của phương Đông chúng ta là phải thành nhân, thành một người biết thương yêu, chia sẻ và cảm thông với trước hết là cha mẹ, gia đình và sau đó là mọi người là xã hội.
Chúng ta đã thấy rõ cái lợi và cái hại của các sản phẩm thông minh và điều chúng ta cần lưu ý là phương pháp ngăn ngừa những cái xấu và phát triển cái tốt, cái đẹp của các thiết bị này mang lại. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này tôi không thể đề cập tới những điều quan trọng này