Từ nhiều năm nay, như nhiều sở GD-ĐT khác, Đà Nẵng cũng yêu cầu bậc học mầm non (MN) không được dạy các cháu viết chữ. Thế nhưng, điều này vẫn không ngăn các trường MN cũng như phụ huynh cho các bé học chữ trước khi vào lớp 1.
Có con chuẩn bị vào lớp 1, hè vừa rồi chị Hồ Thị Thu (ngụ đường Ngô Quyền, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) không cho con theo học lớp lá ở trường MN nào mà gửi con đến nhà một cô giáo đã về hưu để cô dạy chữ cho cháu suốt cả ngày. Học phí, tiền ăn tổng cộng 1,5 triệu đồng/tháng nhưng chị Thu yên tâm vì "cháu được học chữ trước, sau này vô lớp 1 đỡ bỡ ngỡ". Ở Đà Nẵng, những phụ huynh như chị Thu không quá hiếm. Chị Hà Thị Hằng (trú Q.Thanh Khê), buổi chiều chở con học ở trường MN đến nhà một cô giáo của trường tiểu học mà cháu sẽ học khi vào lớp 1 để học trước chương trình.
Theo thống kê của trường Tiểu học Núi Thành (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng), 80% học sinh (HS) đã viết thông thạo chữ cái trước khi vào lớp 1. Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng đều làm công việc này, có nhiều trường, hơn 90% HS đọc thông viết thạo toàn bộ chữ cái, phép tính toán của chương trình lớp 1.
Trẻ ở độ tuổi mầm non không cần phải học biết chữ trước khi vào lớp 1 - Ảnh: D.H
Dạy vì nhu cầu của phụ huynh
Một phụ huynh gửi con ở trường MN tư thục M.Đ (Q.Hải Châu) háo hức khoe, con trai chị vừa kết thúc lớp lá (lớp cuối cấp MN - PV), đã biết... đọc truyện tranh và có thể viết được tất cả chữ cái. Từ hè lớp mầm, cháu đã được cô giáo cho viết những con chữ đầu tiên. Trong khi đó, phụ huynh có con học lớp lá ở một trường tư thục khác, lại tỏ ra hết sức bối rối trước việc có nên gò ép con mình vào việc viết chữ không. "Ngày nào đến lớp cô giáo cũng bảo con tôi viết chậm hơn các cháu trong lớp, phải rèn nhiều. Nhưng tâm lý của hai vợ chồng không muốn gò ép cháu viết chữ quá sớm, bởi sợ tay cháu còn yếu nên về nhà cứ cho cháu vui chơi là chính. Gần đây cháu về nhà và bảo, lúc các bạn chơi thì cháu phải viết bài để rèn thêm, thấy thương con mà không biết phải trình bày với cô giáo thế nào cho phải lẽ", chị băn khoăn.
Ban đầu chỉ các trường MN tư thục vi phạm quy định vì phụ huynh thường căn cứ vào đây để xác định chất lượng giảng dạy của các trường. Về sau cả những trường công cũng vào cuộc. "Giáo viên (GV) MN, vốn không được học qua một trường lớp giảng dạy kiến thức tiểu học, nên khi đảm đương nhiệm vụ này trở nên quá sức. Việc truyền thụ kiến thức sẽ không được đảm bảo. Khi chính thức vào lớp 1, các GV tiểu học lại tốn công... sửa sai", ông Nguyễn Đăng Ngưng - Trưởng phòng Giáo dục Q.Hải Châu, nhận xét.
Trẻ mất hứng thú học tập
Bà Thái Thị Thùy Dương - chuyên viên tổ MN, Phòng Giáo dục Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng, cảnh báo: "Bộ não trẻ ở bậc MN đã được các nhà khoa học nghiên cứu chỉ nên dừng lại ở việc học tô màu, vẽ, đọc chữ viết... Việc phụ huynh nhồi nhét sẽ khiến não trẻ làm việc quá sức, gây hậu quả về lâu dài". Một trong những hậu quả dễ nhận thấy nhất là việc trẻ được học trước kiến thức, khi bước vào chương trình chính thức ở trường tiểu học dễ cảm thấy việc học nhàm chán.
"Con tôi đi học được hai tuần về thì bắt đầu tỏ ra lơ là, chủ quan vì cháu bảo cái gì cô dạy ở lớp cũng đã biết rồi khiến tôi hết sức lo lắng. Càng la thì cháu càng lì lợm và tỏ ra mình đã học trước tất cả rồi", anh Nguyễn Thanh Tuấn, phụ huynh một HS trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ tỏ ra lo ngại.
Đó là chưa kể những HS còn lại cảm thấy tự ti mặc cảm vì kém cạnh các bạn trong lớp vốn đã biết chữ, biết làm toán. Cô Trần Thị Lệ - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Núi Thành chia sẻ: "HS học trước chương trình lớp 1 gây khó khăn rất lớn cho các GV. Sẽ rất khó nếu GV dạy đi dạy lại điều các em đã biết nhưng sẽ càng khó hơn nếu đi quá nhanh khiến những em chưa học gì bị tụt lại". Cô Lệ khẳng định: "Nếu tất cả HS bước vào lớp 1 hoàn toàn không biết gì thì sang học kỳ I đã có thể viết tất cả các chữ và sang học kỳ II có thể đọc thông viết thạo, nên không cần thiết phải dạy chữ trước cho các em trong lứa tuổi MN".