Đái dầm là một hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhưng đó cũng có thể là một căn bệnh, bạn cũng cần quan tâm và tập cho bé từ bỏ thói quen này...
"Đái dầm" là gì?
Không ai gọi một đứa bé còn bú, đi tiểu ra giường là "đái dầm". Nên "đái dầm" là từ chỉ dành cho bé đã lớn một tí, mà sáng ngủ dậy thì quần "ướt mem". Về mặt y học, "đái dầm" được định nghĩa là chứng bé tiểu không tự chủ lúc ngủ.
Như vậy, nếu dù thức hay ngủ mà bé cứ tiểu thoải mái, không biết nín thì không phải đái dầm mà là "tiểu không kiểm soát". "Tiểu không kiểm soát" là có bệnh thực sự (bàng quang thần kinh), bé cần được đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu, để được điều trị thích hợp.
Còn nếu, quần bé cứ luôn luôn ẩm ẩm khai khai, nhưng bé vẫn đi tiểu bình thường, và biết nín tiểu, không để lúc ngủ nước tiểu ra ào ào, thì đó là bệnh "rò nước tiểu bẩm sinh". Bệnh này do nước tiểu từ thận thay vì chảy xuống hết bàng quang thì lại có một nhánh tự nhiên "đi tắt" thẳng ra cửa mình (bệnh đa số gặp ở bé gái). Bé cần phải mổ, cắt đi nhánh tắt nầy thì mới hết được.
Có mấy loại đái dầm?
Tưởng đơn giản, nhưng đái dầm cũng khá phức tạp, được các bác sĩ chia ra thành hai nhóm : đái dầm nguyên phát, tức là bé bị đái dầm từ lúc nhỏ, còn đái dầm thứ phát là bé có một thời gian không bị đái dầm, rồi bỗng nhiên bị đái dầm. Loại đái dầm thứ phát ít gặp, và thường xảy ra khi bé bị viêm bàng quang, cho nên trị hết viêm bàng quang thì bệnh cũng hết theo. Còn đái dầm nguyên phát thì phức tạp hơn nhiều, và sẽ được đề cập kỹ dưới đây.
Có thể bạn chưa biết?
Ở nước ngoài, có bán "máy đánh thức" giúp bé mau hết bị đái dầm. Khi chỉ có một vài giọt nước tiểu phóng ra ngoài, máy sẽ nhận biết và "la" to lên, đánh thức bé dậy, bé sẽ nín tiểu được, không bị đái dầm. Ở nước ta chưa có loại máy này.
Nguyên nhân
Động tác đi tiểu được điều khiển bởi hệ thần kinh. Ở trẻ mới sinh thì đi tiểu là một động tác phản xạ; khi bàng quang bé bắt đầu căng đầy thì hệ thần kinh sẽ phát lệnh làm co bóp bàng quang, và bé đi tiểu. Bé càng lớn thì bàng quang và hệ thần kinh càng phát triển nên sau một tuổi, đa số bé nín đi tiểu được lúc thức, biết gọi mẹ khi mắc tiểu, nhưng ban đêm lúc ngủ thì không nín được. Dần dần, sau ba tuổi, thì đa số bé biết nín tiểu khi ngủ. Rủi thay, ở một số trẻ, hệ thần kinh bàng quang phát triển hơi chậm nên vẫn còn 10% trẻ em 5 tuổi bị đái dầm và 1% trẻ em 15 tuổi vẫn còn bị đái dầm.
Đái dầm có di truyền không?
Có thể có, mà cũng có thể không. Người ta chỉ biết là khoảng 65 % trẻ em bị đái dầm có cha mẹ cũng từng bị đái dầm.
Trước đây, đái dầm thường được nghĩ là do rối loạn tâm lý gây ra; tuy nhiên các khảo sát y học gần đây lại chứng minh ngược lại: bé bị rối loạn tâm lý vì bị đái dầm chứ không phải rối loạn tâm lý gây ra đái dầm. Do bị cha mẹ, thầy cô, bạn bè trêu chọc dẫn đến stress.
Làm gì khi bé bị đái dầm?
Nếu bé dưới 5 tuổi, thì không cần làm chi cả. Không nên la rầy, chọc ghẹo hay dọa nạt bé. Nên tránh cho bé uống nước trước khi đi ngủ, cần cho bé tiểu ngay trước khi đi ngủ và chịu khó đánh thức bé dậy đi tiểu lúc cha (hay mẹ) sắp đi ngủ, rồi tự nhiên sẽ thu xếp ổn thỏa.
Nếu bé đã 5 tuổi rồi mà còn bi đái dầm thì hày đem bé đến bệnh viện để bé được khám và làm các xét nghiệm cần thiết như: thử nước tiểu, siêu âm, chụp hình thận...
Một số thuốc có thể giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn như: Oxybutinin, Desmopressin dạng xịt mũi…, liều lượng và cách dùng nhất thiết phải do bác sĩ quy định; nên tránh tự cho bé uống thuốc vì các thuốc trên thường có những tác dụng phụ đi kèm, nguy hiểm.