Sáng kiến kinh nghiệm môi trường văn hóa ở bếp ăn tập thể
ĐẶT VẤN ĐỀ.
Sáng kiến kinh nghiệm môi trường văn hóa ở bếp ăn tập thể. Nhân dân Việt nam vốn có truyền thống hiếu học và một nền giáo dục lâu đời, trải qua các thời kỳ lịch sử, cộng đồng người Việt đã tiếp thu và chọn lọc, hình thành nên đạo đức, tư tưởng văn hóa Việt nam. Nền tảng văn hóa ấy đã tạo nên bản sắc về nhân cách con người Việt nam.
Cũng như sự tồn tại của giáo dục, văn hoá xuất hiện từ khi có loài người, có xã hội. Văn hoá tồn tại khách quan và tác động vào con người sống trong nó. Nếu môi trường tự nhiên là cái nôi đầu tiên nuôi sống con người, để loài người hình thành và sinh tồn thì văn hóa là cái nôi thứ hai giúp con người trở thành “người” theo đúng nghĩa, hoàn thiện con người, hướng con người khát vọng vươn tới chân – thiện – mỹ.
Trong một tổ chức nói chung cũng như một Nhà trường, văn hóa luôn tồn tại trong mọi hoạt động của tổ chức đó. Vấn đề là con người có ý thức được sự tồn tại của nó để quản lý và sử dụng sức mạnh của nó hay không.
Thực tế hiện nay, môi trường văn hóa ở các trường mầm non nói chung và môi trường văn hóa ở tổ nuôi nói riêng đang có nhiều điều kiện để phát triển, đồng thời đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Do nhịp sống hối hả, guồng quay của công việc, con người ta ít quan tâm hơn đến cách ứng xử, cách sống, giao tiếp giữa các thành viên trong trường, trong tổ.
Lâu nay, trong các trường mầm non thường coi trọng việc chăm sóc- nuôi dưỡng- giáo dục trẻ, nâng cao chất lượng bữa ăn mà chưa chú trọng quan tâm đúng mức đến môi trường văn hóa làm việc trong cơ quan đặc biệt là ở tổ nuôi- nơi nhân viên nuôi dưỡng chỉ được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nấu ăn, chứ không được đào tạo sâu về cách sống, làm việc trong môi trường sư phạm mầm non. Chính vì vậy, mặc dù mọi người trong tổ nuôi rất quý mến nhau, quan tâm đến nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng để biểu thị tình cảm đó qua lời nói, qua giao tiếp thì còn hạn chế, mang tính dân dã, hay như cách nói khác là ăn nói với nhau hàng ngày còn bỗ bã, văn hóa ứng xử thiếu văn minh.
sáng kiến kinh nghiệm môi trường văn hóa ở bếp ăn tập thể sáng kiến kinh nghiệm bảo vệ môi trường sáng kiến kinh nghiệm bảo vệ môi trường mầm non sáng kiến kinh nghiệm bảo vệ môi trường tiểu học
Xuất phát từ tình hình đó, đồng thời nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng“Nhà trường văn hóa- Nhà giáo mẫu mực- Học sinh lễ giáo” ngành giáo dục mầm nonđang triển khai thực hiện. Là một cô nuôi có nhiều năm kinh nghiệm tôi đã suy nghĩ, tìm tòi để tìm ra các biện pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa ở bếp ăn tập thể ở trường Mầm non B Thị trấn Văn điển. Qua thời gian thực hiện, tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm quý báu. Đó chính là lý do tôi lựa chọn đề tài:
“Một số kinh nghiệm trong xây dựng môi trường văn hóa ở bếp ăn tập thể ở Trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển”.
*Mục đích của đề tài: Đánh giá thực trạng môi trường văn hóa ở bếp ăn tập thể trong trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển.
* Đối tượng nghiên cứu: Văn hóa trong bếp ăn tập thể.
*Phạm vi nghiên cứu: Tổ nuôi trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1.Cơ sở lý luận:
Hiện nay, nhân loại đã bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI với nhiều thành tựu to lớn về khoa học và công nghệ, nền kinh tế thế giới phát triển với tốc độ nhanh thì gắn liền với nó là nhiều vấn đề hệ lụy về ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm môi trường văn hóa (MTVH) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các quốc gia, dân tộc. Vì vậy xây dựng MTVH tốt đẹp, lành mạnh là yêu cầu cấp thiết và lâu dài của mọi người, mọi ngành và toàn xã hội. MTVH mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng là MTVH giàu bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với qui luật thời đại vừa đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân. Đó là MTVH lành mạnh, phong phú, giàu tính nhân văn.
Con người và môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, con người không thể tồn tại nếu tách khỏi môi trường tự nhiên cũng như không thể trở thành “Người”nếu tách khỏi môi trường văn hoá (MTVH). Môi trường tự nhiên là nơi con người sinh sống, còn MTVH chính là “cái nôi” hình thành và nuôi dưỡng bản lĩnh, đạo đức và nhân cách con người. Không thể có một tâm hồn trong sáng, một nhân cách tốt khi được nuôi dưỡng trong MTVH độc hại, ô nhiễm và cũng không thể có sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc khi MTVH bị xem nhẹ, không được bảo vệ và xây dựng.
Môi trường văn hóa gắn với toàn bộ hoạt động người. Không gian của môi trường văn hóa gắn liền với sự hoạt động của con người. Chỉ có qua hoạt động của con người thì môi trường văn hóa mới được thể hiện, phát huy và hoàn thiện. “Môi trường văn hóa chính là sự vận động của các quan hệ của con người trong quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất và tinh thần của mình” MTVH được nhìn nhận như một hệ thống các giá trị nhân văn có mối quan hệ mật thiết đối với quá trình hình thành, phát triển nhân cách con người, phát triển xã hội.
- Cơ sở thực tiễn:
2.1. Thuận lợi:
– Trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển nằm trên địa bàn Huyện Thanh Trì. Trường có 1 điểm trường.
– Bếp ăn được trạng bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.
– Trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, Phòng giáo dục và đào tạo Huyện Thanh Trì.
– 100% cô nuôi có trình độ trung cấp nấu ăn.
– Đủ định biên số cô nuôi trên trẻ.
2.2. Khó khăn:
– 100% thành viên tổ nuôi là nữ giới. Lứa tuổi của các cô nuôi trong trường không đồng đều, phần lớn là trẻ tuổi nên kinh nghiệm trong giao tiếp, xây dựng môi trường văn hóa còn hạn chế.
– Một phần cô nuôi mới chuyển từ các lĩnh vực ngành nghề khác sang môi trường giáo dục, chính vì vậy việc hòa đồng trong công việc với chị em còn hạn chế.
– Do đặc thù nghề nghiệp nên môi trường làm việc của các cô nuôi khá khắc nghiệt: mùa hè thì nóng mùa đông thì lạnh. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý khi làm việc của các cô nuôi, dẫn đến tình trạng đôi khi môi trường văn hóa trong bếp ăn bị giảm sút.
- Khảo sát thực trạng môi trường văn hóa bếp ăn tập thể tại Trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển.
– Để nâng cao chất lượng, xây dựng môi trường văn hóa có hiệu quả trong trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển, tôi tiến hành khảo sát trực trạng môi trường văn hóa trong bếp ăn của trường nhằm xác định đúng tình hình thực tiễn để từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp.
– Căn cứ vào các nghiên cứu khoa học, tình hình thực tế bếp ăn của nhà trường tôi đã xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá thực trạng môi trường văn hóa bếp ăn tập thể. Cụ thể:
+ Ứng xử giao tiếp: Môi trường bếp ăn tập thể ở trường mầm non với đặc thù 100% là nữ giới với nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó phần đông là trẻ tuổi nên việc ứng xử giao tiếp trong công việc đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Chỉ một lời nói thiếu đúng mực cũng có thể dẫn đến xích mích gây mất đoàn kết nội bộ.
+ Kỷ luật lao động: Trong môi trường làm việc ở bếp ăn tập thể trong trường mầm non. Quá trình làm việc của các cô nuôi được phân công cụ thể từng khâu. Công việc mang tính dây chuyền, do đó 1 cá nhân không thực hiện tốt kỷ luật lao động sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công việc của cả tổ. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng môi trường văn hóa trong bếp ăn tập thể tại trường mầm non bị suy thoái.
+ Tinh thần phối hợp với đồng nghiệp: Do đặc thù công việc, việc phối hợp nhịp nhàng với đồng nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng môi trường văn háo trong bếp ăn tập thể. Nó tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong tổ.
– Kết quả đánh giá đầu năm:
STT |
Tiêu chí |
Đạt |
Chưa đạt |
1 |
Ứng xử giao tiếp |
5/12 = 42% |
7/12 = 58% |
2 |
Kỷ luật lao động |
6/12 = 50% |
6/12 = 50% |
3 |
Tinh thần phối hợp với đồng nghiệp |
4/12 = 33% |
8/12 = 67% |
BIỆN PHÁP.
- Biện pháp 1: Xây dựng quy tắc ứng xử trong bếp ăn tập thể.
* Mục đích: Văn hoá ứng xử cũng giống như những thói quen được hình thành trong nhiều năm từ sự tương tác qua lại giữa các thành viên nên khó thay đổi. Việc xây dựng quy ước ứng xử văn hóa trong bếp ăn tập thể nhằm tạo cơ sở đánh giá phẩm chất đạo đức lối sống của một cô nuôi, hình thành thói quen giao tiếp lịch sự, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ. Từ đó, xây dựng môi trường văn hóa đạt hiệu quả.
* Cách làm:
– Ngay từ đầu năm, trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo nhiệm vụ năm học và quy chế nếp sống văn hóa trong Nhà trường, tôi đã mạnh dạn nêu rõ đặc điểm riêng và thực trạng văn hóa ứng xử trong tổ nuôi. Từ đó đề xuất, khuyến nghị với Ban giám hiệu Nhà trường cần xây dựng bộ quy ước ứng xử phù hợp với điều kiện cụ thể của tổ. Qua đó, tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của ban giám hiệu Nhà trường. Ban giám hiệu Nhà trường đã kết hợp với tổ nuôi tổ chức cuộc họp công khai lấy ý kiến của từng thành viên trong tổ. Từ đó đúc kết, xây dựng bộ quy ước ứng xử trong bếp ăn tập thể.
– Để bộ quy ước ứng xử đi vào thực tiễn làm việc, tôi đã cùng với chị em trong tổ nêu cao tinh thần trách nhiệm của cô nuôi có nhiều năm tuổi đời và tuổi nghề. Kịp thời uốn nắn, nhắc nhở các thành viên trong tổ khi có những ứng xử, giao tiếp thiếu hòa nhã.
Hình ảnh buổi lấy ý kiến, xây dựng quy ước văn hóa trong bếp ăn của tổ nuôi.
* Kết quả:
– Trong thời gian đầu thực hiện, một số cô nuôi trẻ còn gặp nhiều khó khăn do thói quen và môi trường làm việc thiếu tính văn hóa trong giao tiếp trước đây. Nhưng sau một thời gian, được sự góp ý, nhắc nhở và căn cứ cụ thể của bộ quy ước ứng xử; văn hóa ứng xử của tổ nuôi đã có những chuyển biến rõ rệt. Người già, người trẻ đều đúng mực trong giao tiếp, không còn tình trạng phát ngôn bữa bãi, thiếu văn hóa trong bếp ăn tập thể Nhà trường.
- Biện pháp 2: Tạo sự hòa đồng, giữ hòa khí nơi làm việc:
* Mục đích: Trong môi trường làm việc 100% là nữ giới nên việc xây dựng môi trường văn hóa thành công đòi hỏi mỗi cá nhân trong tổ phải tạo được sự hòa đồng, giữa hòa khí nơi làm việc. Nhằm tạo không khí làm việc hòa thuận, đoàn kết.
* Cách làm:
Bếp ăn tập thể là nơi làm việc chung với nhiều người có độ tuổi, tính cách hoàn toàn khác biệt. Thời gian chúng ta đi làm tiếp xúc với đồng nghiệp đôi khi còn nhiều hơn cả người thân gia đình. Do vậy, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp là một việc làm hết sức cần thiết. Chính vì vậy, tôi luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người trong công việc cũng như sẵn sàng tiếp nhận góp ý xây dựng của đồng nghiệp để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn. Luôn giữ vững nguyên tắc “lấy công việc làm trọng”, không để những việc vặt vãnh cá nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
+ Tôi luôn xem môi trường làm việc như một ngôi trường lớn để học hỏi, rèn luyện kỹ năng, gom góp kinh nghiệm cũng như hoàn thiện nhân cách bản thân.
+ Khi đến nơi làm việc, tôi luôn nở nụ cười và lời chào thân thiện với đồng nghiệp. Luôn đối xử trân trọng và quan tâm với đống nghiệp, không phân biệt độ tuổi, tính cách.
+ Tôi luôn cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, biết giữ lời hứa, chia sẻ những thành tích, ý kiến, đóng góp với mọi người sẽ góp phần tạo nên một môi trường làm việc vui vẻ, hiệu quả công việc cao, thắt chặt tình đoàn kết với mọi người.
Hình ảnh tổ nuôi và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường nhân ngày 8/3.
* Kết quả:
– Từ sự thân thiện, hòa nhã, tôn trọng đồng nghiệp của bản thân tôi đã giúp cho chị em trong tổ có cái nhìn đúng đắn hơn về ý nghĩa của việc “tạo sự hòa đồng và giữ hòa khí trong môi trường làm việc”. Qua đó, các thành viên trong tổ đã có sự chuyển biến rõ rệt trong cách làm việc. 100% cô nuôi luôn nở nụ cười khi đến nơi làm việc, đặt công việc là trọng tâm không để những việc vặt vãnh chi phối quá trình làm việc và mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ.
– Chính sự tôn trọng đồng nghiệp, cẩn trọng trong lời nói, biết giữ lời hứa đã tạo được sự gần gũi của cá nhân tôi với các thành viên trong tổ. Đồng thời điều này đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình của các thanh viên trong tổ. Qua đó, tình đoàn kết trong bếp ăn tại trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển ngày càng được thắt chặt.
- Biện pháp: Xây dựng phong cách làm việc làm việc chuyên nghiệp.
* Mục đích: Giúp cho mỗi thành viên trong tổ có một phong cách làm việc chuyên nghiệp, có ý thức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
* Cách làm:
– Bản thân tôi luôn biết quý trọng thời gian. Tôi luôn ý thức tự giác trong công việc, luôn hoàn thành công việc một cách chu đáo trong thời gian ngắn nhất. Không ê a, vừa làm vừa chơi.
– Tôi luôn đi làm đúng giờ. Trong các cuộc họp tôi luôn tuân thủ giờ giấc một cách nghiêm túc. Điều này giúp tôi luôn chủ động trong công việc. Không khiến người khác mất thời gian chờ đợi hay phải làm giúp công việc của mình.
– Tôi luôn ngăn nắp, gọn gàng trong khi làm việc, làm đâu sạch đấy không để người khác phải đi sau dọn dẹp hộ mình.
– Tôi luôn biết nhận trách nhiệm của mình trong công việc và cuộc sống, biết lắng nghe, biết xin lỗi và biết nói lời cảm ơn chân thành.
* Kết quả:
– Tôi đã tạo được uy tín lớn đối với Ban giám hiệu và tập thể nhân viên bếp ăn Nhà trường.
– Tạo được không khí làm việc khoa học, chu đáo trong nơi làm việc.
– Đồng nghiệp không phải chờ đợi hay làm thay, làm hộ công việc cho tôi. Do đó, tạo không khí làm việc vui vẻ, cởi mở, trách nhiệm trong bếp ăn tập thể.
Hình ảnh cô nuôi thực hiện lưu nghiệm thức ăn sau khi nấu xong.
- Biện pháp 4: Xây dựng một môi trường nhà bếp an toàn – hiệu quả.
* Mục đích: Tạo một môi trường an toàn hiệu quả khi làm việc cho bản thân và đồng nghiệp. Từ đó giúp tổ nuôi yên tâm làm việc.
* Cách làm:
– Vệ sinh dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm: Đồ dùng, dụng cụ, phục vụ bếp luôn được vệ sinh sạch sẽ sau khi sử dụng. Thường xuyên tổng vệ sinh theo lịch phân công hàng tuần.
– Vệ sinh dụng cụ phục vụ ăn uống cho trẻ: thực hiện theo 4 bước: vét sạch thức ăn thừa -> cọ rửa bằng nước rửa bát – >cọ rửa bằng nước sạch 2 lần – > tráng dưới vòi nước sạch, sấy tiệt trùng.
– Vệ sinh nơi chế biến: Nơi chế biến luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, có dụng cụ dùng riêng cho thực phẩm sống và chín. Bếp đảm bảo đủ ánh sáng và không khí; thực hiện đúng nguyên tắc bếp ăn một chiều.
– Vệ sinh nguồn nước: sử dụng nguồn nước sạch của công ty nước sạch Hà Nội.
– Xử lý rác thải: Thùng đựng rác thải được phân chia theo từng loại rác riêng biệt: thức ăn thừa, túi nilong, giấy…Đảm bảo rác thải được thu gom sạch sẽ ngay trong ngày, không để rác thải tồn qua ngày.
– Vệ sinh bếp ga, tủ ga: nơi đặt bếp ga, tủ ga đảm bảo độ thông thoáng, dễ thoát khí. Có dây bảo vệ đường dẫn ga để phòng tránh chuột. Thường xuyên kiểm tra hệ thống đường dẫn ga đến khu bếp đun trước và sau khi nấu. Vệ sinh thường xuyên, khi phát hiện có sự cố về bếp hay đường dẫn phải khóa ga và kịp thời báo cáo ban giám hiệu nhà trường.
* Kết quả:
– Môi trường bếp ăn an toàn giúp cho tôi và các thành viên trong tổ luôn yên tâm khi thực hiện công việc của mình.
– Môi trường bếp ăn hiệu quả giúp giảm tải sức lao động cho cô nuôi, từ đó tạo tâm lý làm việc thoải mái, hưng phấn. Góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong bếp ăn tập thể.
Hình ảnh môi trường bếp ăn của trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển
- Kết quả đạt được:
– Bản thân tôi đã tạo dựng được cho mình một phong cách làm việc chuyên nghiệp. Cách giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp hòa nhã, đúng mực. Luôn tôn trọng đồng nghiệp, tạo được sự hòa đồng, giữ hòa khí trong công việc. Qua đó, tôi đã tự hoàn thiện bản thân, tạo được mối quan hệ thân thiết, gần gũi, hợp tác giữa các thành viên trong tổ.
– Tôi đã thu hút được sự ủng hộ nhiệt tình của các thành viên trong tổ cùng xây dựng một tập thể đoàn kết, hợp tác, chia sẻ và gắn bó mật thiết tạo nền tảng vững chắc xây dựng môi trường văn hóa trong bếp ăn tập thể.
– Không khí làm việc trong bếp ăn tập thể của trường luôn vui vẻ, thân thiện giúp cho các bữa ăn đến với trẻ luôn đảm bảo chất lượng.
– Kết quả đánh giá cuối năm:
STT |
Tiêu chí |
Đạt |
Chưa đạt |
1 |
Ứng xử giao tiếp |
11/12 = 92% |
1 = 8% |
2 |
Kỷ luật lao động |
12/12 = 100% |
0 = 0% |
3 |
Tinh thần phối hợp với đồng nghiệp |
12/12 = 100% |
0 = 0% |
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
1.Kết luận:
– Xây dựng môi trường văn hóa ở bếp ăn tập thể là một trong những nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa lâu dài góp phần xây dựng Nhà trường văn hóa, vững mạnh; xây dựng đất nước Việt Nam tiên tiến đậm dà bản sắc dân tộc, biến văn hóa trở thành nền tảng của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội phát triển.
– Thực hiện chương trình “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch – văn minh” của Thành phố Hà Nội và tích cực hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Trường học văn hóa – Nhà giáo mẫu mực-Học sinh lễ giáo”, đã và đang đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ mới cho các Nhà trường trong thời gian tới phải tiến hành tổng thể, toàn diện, đặt vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong Nhà trường nói chung và trong bếp ăn tập thể nói riêng trở thành trọng tâm trong hoạt động của Nhà trường. Trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp đồng bộ, phát huy vai trò doàn kết, phối hợp các lực lượng, phấn đấu xây dựng một môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, tiến bộ, văn minh.
- Bài học kinh nghiệm:
Qua quá trình thực hiện xây dựng môi trường văn hóa bếp ăn tập thể ở trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển cho thấy sự tự ý thức, tự giác cùa mỗi cá nhân; tinh thần đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau và tác phong làm việc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình ây dựng môi trường văn hóa trong tập thể.
- Đề xuất – khuyến nghị:
– Các cấp lãnh đạo tổ chức các chuyên đề, hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa ở bếp ăn tập thể trong trường mầm non nhằm tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường.
– Trên đây là một số kinh nghiệm của tôi đã được triển khai thực hiện. Tôi đã áp dụng ở Trường mầm non B Thị trấn Văn điển và thu được kết quả tốt.
– Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các cấp lãnh đạo, chị em đồng nghiệp để đề tài này ngày một hoàn thiện hơn, thực hiện tốt hơn trong năm học tiếp theo.